Báo cáo tài chính quý III/2020 của một loạt công ty chứng khoán top đầu về thị phần môi giới cũng như đứng đầu khối tự doanh, ghi nhận các kết quả lãi bằng lần.
Tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 965,6 tỷ đồng – tăng 14,3%, và lợi nhuận trước thuế đạt 408,8 tỷ đồng – tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019 là kết quả riêng lẻ quý của Công ty chứng khoán SSI. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới trên thị trường ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.320,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.075,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 44,9% và 35,3% so với 9 tháng năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.076 tỷ đồng - vượt 24% kế hoạch kinh doanh năm 2020. SSI cho biết đây cũng là mức doanh thu 9 tháng cao nhất trong lịch sử hoạt động của SSI.
Điều này có vẻ là một cột mốc đặc biệt với chính SSI trong suốt 20 năm hoạt động cùng thị trường khi lợi nhuận ngàn tỷ đồng trong 3 quý đã xuất hiện ở giai đoạn COVID-19 với sự khó khăn lan tràn ở hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế.
Tương tự SSI, Công ty luôn so kè thị phần ở top nhất, nhì là Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) cũng đã có 3 quý lãi đậm. Trong quý 3/2020, HSC đạt doanh thu hơn 398 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 142 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 26% so với quý 3/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, HSC ghi nhận doanh thu thuần 1.077 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 83% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 393 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành 87% kế hoạch cả năm 2020.
Theo đó, 3 mảng kinh doanh: môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh đóng góp 96% tổng doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2020. Báo cáo của HSC ghi nhận doanh thu phí môi giới chiếm 38% tổng doanh thu, đạt 407 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ các hoạt động cho vay ký quỹ đạt 358 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ và chiếm 33% tổng doanh thu. HSC cũng có hoạt động đầu tư tự doanh đạt doanh thu ấn tượng với 266 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp 25% vào tổng doanh thu...
Lưu ý rằng HSC cũng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về tư vấn bảo lãnh phát hành, lên sàn niêm yết và tư vấn hoạt động M&A. So với sự sôi động của thị trường sơ cấp, rõ ràng trong 9 tháng qua, nhu cầu bảo lãnh phát hành hay M&A, hoặc thậm chí thoái vốn cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước…đều khá trầm lắng. Ngoại trừ một số “case” lên sàn niêm yết từ UpCOM hoặc OTC của khối ngân hàng, theo giới chuyên môn, là còn có “tấm món” và giá trị lớn. Tuy nhiên với dự báo M&A lẫn IPO tìm đối tác ngoại của các doanh nghiệp, định chế tài chính thời gian tới sẽ trở lại sôi động, đây cũng có thể sẽ là mảng hứa hẹn lợi nhuận cho các Công ty chứng khoán nói riêng và khối các doanh nghiệp hoạt động nghiệp vụ này trực tiếp nói chung.
Ở một đại diện khác, lãi bằng lần phản ánh cơ hội sinh lợi từ thị trường tư vấn chào bán trái phiếu. Báo cáo quý 3 của Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) ghi nhận doanh thu quý 3 đạt 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 863 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 178% và 221%. Tổng doanh thu lũy kế 9 tháng 2020 đạt 2.490 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế 9T2020 đạt 2.135 tỷ, tăng 147%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn doanh nghiệp tăng mạnh 182% so với cùng kỳ năm 2019, từ 491 tỷ đồng lên 1.383 tỷ đồng, chiếm 56% tổng doanh thu. Cùng với đó, trong 9 tháng, TCBS đã phân phối hơn 27.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) iBond, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2019. Tính từ thời điểm trái phiếu iBond chính thức ra mắt, TCBS đã phân phối tổng cộng gần 108 nghìn tỷ đồng TPDN, thu hút hơn 38.000 Khách hàng cá nhân đầu tư. Với tất cả những kết quả này, TSBS tiếp tục đứng số 1 về thị phần môi giới trái phiếu – vị trí mà Công ty này đã giữ quá lâu suốt 5 năm qua.
Tăng trưởng của các công ty chứng khoán là một phản ánh rõ nét sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Sự bùng nổ của cổ phiếu và trái phiếu đã khiến Vn-Index cùng các chỉ số còn lại gần như đã có đường đi “dị biệt” với phần khó khăn còn lại của kinh tế và thế giới, không ngừng sôi động cả về mức điểm tăng cũng như đạt thanh khoản rất tích cực. Riêng quý III, thanh khoản bình quân theo thống kê trên thị trường đã đạt 6.600 tỷ đồng/ phiên. Cá biệt có những phiên giá trị giao dịch bùng nổ lên tới 16.000 tỷ đồng/ phiên.
Khi các ngành nghề còn khó khăn, lãi suất xuống thấp, các kênh đầu tư rủi ro cao và không có cơ hội sinh lời lớn, dòng tiền đổ vào chứng khoán vẫn đang được tiếp tục dự báo lạc quan từ nay đến cuối năm. “Tuy chưa đến mức nhà nhà chơi chứng khoán, nhưng rõ ràng sức hấp dẫn của dòng tiền cộng với yếu tố công nghệ cũng đang tiếp sức cho sự tiện lợi thu hút các tài khoản mở mới. Bên cạnh đó, sự thăng hoa thị trường chứng khoán tuy chưa xuất hiện những dấu hiệu rõ về bong bóng tài sản tài chính, nhưng nếu thị trường vẫn một mình một cõi, trong khi số lượng doanh nghiệp tiêu cực và đi ngang chiếm tỷ lệ cao và tiên liệu kết quả cuối năm tài chính 2020 cũng sẽ khó khởi sắc, thì một phần nào đó ở những nhóm ngành, hàng hóa cục bộ trên thị trường, cần được lưu tâm dấu hiệu này”, một chuyên gia cảnh báo.
LÊ MỸ
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp