Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn phục hồi mạnh mẽ với đà tăng liên tục của chỉ số VN-Index trong vòng ba tháng qua. Từ mốc 1.100 điểm, chỉ số lần lượt chinh phục các ngưỡng 1.200, 1.300 và 1.400 điểm, vươn lên mức cao nhất trong hơn ba năm trở lại đây. Tuy vậy, so với đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm đạt được vào tháng 4/2022, chỉ số vẫn còn một khoảng cách đáng kể.

Điều đáng chú ý là trong khi VN-Index chưa tái lập đỉnh cũ, vốn hóa thị trường trên sàn HoSE đã vượt xa mức kỷ lục trước đó. Cụ thể, tính đến hết ngày 8/7, vốn hóa HoSE đạt 6,087 triệu tỷ đồng, vượt qua mức đỉnh 6,036 triệu tỷ ghi nhận ngày 4/4/2022. So với đầu năm, vốn hóa đã tăng thêm gần 880.000 tỷ đồng.

Đà tăng vốn hóa phần lớn đến từ sự xuất hiện của những doanh nghiệp mới niêm yết, dù số lượng không quá nhiều. Các tân binh đáng chú ý gồm Vinpearl (VPL), Gelex Electric (GEE), Viettel Post (VTP), Nam Á Bank (NAB), DNSE (DSE)… – phần lớn là các doanh nghiệp chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn đã niêm yết từ trước 2022 lại có sự phân hóa. Một số ngân hàng như TCB, STB, MBB, CTG đã vượt đỉnh cũ, nhưng nhiều mã khác mới chỉ tiệm cận vùng giá cao lịch sử. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, SAB, VJC, GAS… vẫn giao dịch dưới mức giá đỉnh ba năm trước.

Điều này phản ánh rõ nét sự thiếu vắng của các đợt sóng lớn trên thị trường trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, kỳ vọng nâng hạng thị trường vào cuối năm nay cùng động thái mua ròng mạnh mẽ từ khối ngoại đang mang lại những tín hiệu tích cực.

Tính riêng trong tháng 7, khối ngoại đã mua ròng hơn 7.000 tỷ đồng – một bước ngoặt lớn sau thời gian dài bán ròng. Theo các chuyên gia, dòng vốn ngoại thường đón đầu nâng hạng khoảng 4-5 tháng, nên giai đoạn hiện tại có thể là thời điểm “vàng” cho việc gom hàng trước khi thị trường chính thức được FTSE nâng hạng.

Cùng với dòng vốn có thể lên đến hàng tỷ USD nếu được nâng hạng, Dragon Capital nhận định thị trường còn có thể chứng kiến làn sóng IPO sôi động. Khi được phân loại là thị trường mới nổi, Việt Nam có cơ hội thu hút nhiều hơn sự quan tâm từ nhà đầu tư quốc tế và thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết cổ phiếu.

Điển hình gần đây là thương vụ niêm yết của Vinpearl. Trong tương lai gần, thị trường có thể đón thêm các cái tên như TCBS, F88 và nhiều thương hiệu lớn như THACO AUTO, Bách Hóa Xanh, Golden Gate, Highlands Coffee, VPS, Viettel IDC, Misa, VNPay, Long Châu… Dragon Capital ước tính tổng giá trị IPO trong ba năm tới có thể đạt đến 47 tỷ USD.

Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu nâng tổng vốn hóa thị trường lên tương đương 100% GDP vào năm 2025. Theo Dragon Capital, để đạt được cột mốc này, cần kết hợp giữa tăng trưởng giá cổ phiếu và mở rộng danh sách niêm yết. Việc nâng hạng thị trường có thể đóng vai trò chất xúc tác quan trọng, giúp thị trường tăng quy mô và thu hút vốn hiệu quả hơn.