Thất nghiệp không tên trong báo cáo
Theo Viện Ludwig về Thịnh vượng Kinh tế Chung (LISEP), khái niệm “thất nghiệp chức năng” không chỉ gói gọn trong những người mất việc mà còn gồm:
-
Người bỏ cuộc, không còn mặn mà tìm việc mới.
-
Lao động bán thời gian bất đắc dĩ, bị ép làm ít giờ dù muốn làm toàn thời gian.
-
Những người có việc nhưng lương không đủ sống, thu nhập dưới 25.000 USD/năm – thấp hơn mức chi phí sinh hoạt tối thiểu ở hầu hết các thành phố lớn.
Với dân số lao động khoảng 168 triệu người, 24,3% tương đương hơn 40,8 triệu người Mỹ thuộc nhóm này – một con số khổng lồ không được phản ánh đủ trong tỷ lệ thất nghiệp U-3 chính thức mà các báo cáo thường nhắc tới.
Tốt nghiệp đại học vẫn bám quầy cà phê
Những người thất nghiệp chức năng có thể là cử nhân mới ra trường, chấp nhận chạy bàn ở quán cà phê, làm ca đêm trong kho hàng Amazon hay giao pizza để trang trải tiền nhà. Nhiều công nhân vẫn phải làm việc hai, ba ca mới đủ trả hóa đơn điện nước.
Họ vẫn được tính là “có việc làm”, nhưng cuộc sống “vừa đủ thở” khiến họ không dám mơ tới mua nhà, tiết kiệm hưu trí hay đóng bảo hiểm y tế tử tế.
Báo Fortune ví nhóm lao động này như tầng lớp vô hình: “Họ có mặt ở khắp nơi – phục vụ, giao hàng, chăm sóc cửa hàng – nhưng biến mất khỏi biểu đồ tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp đẹp đẽ.”
Thách thức lớn cho kinh tế – xã hội
Những người bị kẹt trong vòng xoáy “thất nghiệp chức năng” thường rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm do thu nhập bấp bênh và thiếu cơ hội phát triển. Nhiều người từ bỏ luôn ý định tìm việc tốt hơn sau khi trải qua quá nhiều thất bại trong quy trình tuyển dụng phức tạp.
Glassdoor ghi nhận niềm tin của lao động trẻ Mỹ đang xuống mức thấp kỷ lục. Không ít người lo lắng, kể cả khi may mắn có việc, tương lai vẫn mờ mịt trước rủi ro AI và tự động hóa thay thế các công việc có kỹ năng trung bình.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng
Một mặt, nước Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ, tài chính bậc nhất thế giới; mặt khác, hàng triệu người phải tính từng đồng cho bữa tối. Lạm phát dai dẳng khiến mức lương dưới 25.000 USD chỉ đủ sinh tồn – và tầng lớp trung lưu vốn là xương sống của xã hội đang bị bào mòn.
Khoảng cách này đe dọa sự gắn kết xã hội, tạo ra bất ổn và làm giảm hiệu quả của các chính sách phục hồi kinh tế, vì một lực lượng lao động lớn bị lãng phí tiềm năng và không được tái đào tạo kịp thời để đáp ứng yêu cầu mới.
Giải pháp nào?
Nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ Mỹ cần:
-
Tăng lương tối thiểu sát mức chi phí sinh hoạt tại các bang.
-
Đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình đào tạo, tái đào tạo để người lao động bắt kịp công nghệ mới.
-
Khuyến khích doanh nghiệp tạo việc làm có giá trị gia tăng cao.
-
Cải thiện an sinh xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Chủ tịch Gene Ludwig nhấn mạnh: “Chỉ số GDP hay tỷ lệ thất nghiệp chính thức không đủ kể câu chuyện thực tế. Để kinh tế khỏe mạnh, cần nhìn thẳng vào 40 triệu con người đang bị bỏ lại phía sau.”
Nguồn: Fortune, Business Insider, LISEP