Định kiến ăn sâu
Chuyên gia kinh tế Ron Hetrick từ Lightcast đã thẳng thắn nhận định: “Suốt ba thế hệ, chúng ta gieo vào đầu con trẻ rằng nếu không học đại học thì coi như thất bại. Và giờ, nền kinh tế đang gánh hậu quả khi các vị trí lao động tay chân không có người làm.”
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), lực lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất đang thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là các vị trí thợ hàn, kỹ thuật viên cơ khí hay công nhân vận hành máy móc. Viện Sản xuất (The Manufacturing Institute) và Deloitte cảnh báo đến năm 2030, con số thiếu hụt có thể chạm mốc 2,1 triệu lao động nếu không có giải pháp căn cơ.
Dù nhiều nhà máy hiện nay đã áp dụng công nghệ hiện đại, an toàn và tự động hóa cao, nhưng hình ảnh “bẩn, ồn, vất vả” vẫn in sâu trong tâm trí các gia đình Mỹ. Sự thiếu hụt các chương trình hướng nghiệp thực tế ở trường trung học cũng khiến nhiều học sinh chưa từng một lần đặt chân vào nhà xưởng hiện đại.
Nghề không được tôn trọng
Một khảo sát của Soter Analytics chỉ ra rằng chỉ 14% thế hệ Gen Z cân nhắc làm việc trong ngành sản xuất. Trong khi đó, một nghiên cứu của Pew Research Center cho thấy chỉ khoảng 31% công nhân tay chân cảm thấy công việc của họ được xã hội coi trọng.
Vấn đề lương bổng và điều kiện làm việc cũng khiến công việc này kém hấp dẫn so với các ngành dịch vụ hay công nghệ. Dù mức lương trung bình của công nhân Mỹ không thấp, nhưng nhiều người trẻ cho rằng nó không “đáng” để đánh đổi sự linh hoạt về thời gian và chất lượng cuộc sống. Khảo sát của Fast Company cho thấy chỉ 43% công nhân tay chân cảm thấy “rất hài lòng” với công việc hiện tại, thấp hơn đáng kể so với mức 53% ở các ngành khác.
Lực lượng lao động trẻ vắng bóng
Số liệu từ Washington Post cho thấy độ tuổi trung bình của công nhân Mỹ hiện là 44,3 tuổi, chỉ 8% dưới 25 tuổi. Khi thế hệ Baby Boomer nghỉ hưu ồ ạt, khoảng trống nhân lực ngày càng lớn nhưng lớp trẻ không sẵn sàng thay thế.
Ngay cả khi các tập đoàn lớn đã chủ động mở các học viện đào tạo kỹ thuật ngay trong nhà máy, như Rockwell Automation ở Milwaukee hay Steelcase ở Michigan, kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Khảo sát của McKinsey cho thấy gần một nửa Gen Z đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất có ý định nghỉ việc chỉ sau 3–6 tháng, cao hơn hẳn so với các ngành khác.
Cuộc khủng hoảng kéo dài
Hiệp hội ngành sản xuất Mỹ (NAM) cho biết 67% doanh nghiệp coi việc thu hút và giữ chân người lao động là thách thức lớn nhất. Các nhà máy khắp nước Mỹ – từ dây chuyền lắp ráp ô tô ở Detroit đến xưởng điện tử ở Texas – đang rơi vào cảnh “có việc nhưng không có người”, trong khi hàng triệu sinh viên đại học vẫn thất nghiệp hoặc làm trái ngành vì không chấp nhận công việc tay chân.
Điều này đe dọa trực tiếp đến năng suất, khả năng cạnh tranh của nền sản xuất Mỹ trên trường quốc tế. Giới chuyên gia nhận định nếu không thay đổi tư duy xã hội, đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo thực tiễn và nâng cao hình ảnh nghề công nhân, tham vọng phục hưng ngành sản xuất Mỹ sẽ vẫn chỉ là giấc mơ dang dở.
*Nguồn: NYT, FastCompany, Fortune, Washington Post