Động thái nới lỏng tiền tệ gần như đồng bộ này cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách các nền kinh tế châu Âu phản ứng trước các cú sốc thương mại và địa chính trị, trái ngược với lập trường “chờ đợi và quan sát” mà các ngân hàng trung ương lớn khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn đang duy trì.
Mỗi nước, một bức tranh riêng
Thụy Sĩ là quốc gia khởi động chuỗi cắt giảm lãi suất khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) hạ lãi suất 25 điểm cơ bản hôm thứ Năm, bất chấp tín hiệu trước đó rằng họ sẽ tạm dừng chu kỳ nới lỏng. Mục tiêu chính là để phòng vệ trước áp lực giảm phát kéo dài, khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, còn dự báo lạm phát năm 2025 chỉ khoảng 0,2% — mức rất thấp so với mục tiêu thông thường. Việc đồng franc Thụy Sĩ mạnh lên nhiều tháng qua, một phần do ảnh hưởng từ chính sách của Tổng thống Trump, cũng gia tăng áp lực lên SNB. Chủ tịch Martin Schlegel thậm chí không loại trừ khả năng đưa lãi suất quay về vùng âm nếu cần thiết.
Ở Thụy Điển, Ngân hàng Trung ương Riksbank đã tiến hành đợt giảm lãi suất thứ bảy trong chu kỳ hiện tại vào ngày thứ Tư. Theo Thống đốc Erik Thedéen, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực lạm phát đã giảm bớt sau giai đoạn tăng đột biến đầu năm. Thêm vào đó, tốc độ phục hồi kinh tế còn yếu tạo dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Đồng krona của Thụy Điển hiện là đồng tiền mạnh nhất trong nhóm G-10, tăng tới 15% so với USD từ đầu năm, giúp giảm chi phí nhập khẩu và kiềm chế lạm phát.
Na Uy mang đến bất ngờ lớn nhất khi Norges Bank công bố cắt giảm lãi suất cũng vào thứ Năm, động thái mà không một chuyên gia kinh tế nào dự báo trước. Dù lạm phát tổng thể ở Na Uy vẫn ở mức cao do đồng krone yếu, nhưng chỉ số lạm phát cơ bản tháng trước đã giảm mạnh xuống còn 2,8% — mức thấp nhất trong năm. Ngân hàng trung ương Na Uy dự báo lạm phát toàn phần năm 2026 sẽ giảm còn 2,2%, thay vì 2,7% như dự báo hồi tháng 3. Đây là lần đầu tiên Na Uy hạ lãi suất kể từ đại dịch Covid-19, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách tiền tệ. Thống đốc Ida Wolden Bache cũng không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm nếu tình hình cần thiết.
Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ thu hẹp triển vọng kinh doanh của các tập đoàn (Ảnh; National Herald)
Nguy cơ thuế quan và địa chính trị phức tạp
Theo các chuyên gia, quyết định giảm lãi suất đồng loạt ở châu Âu còn bắt nguồn từ lo ngại về các chính sách thương mại khó đoán của Tổng thống Donald Trump. Thời hạn chót 9/7 — thời điểm Mỹ có thể tái áp thuế quan với nhiều nước — đang đến gần, làm tăng nguy cơ bất ổn thương mại toàn cầu.
Trong khi Mỹ với thế mạnh sản xuất dầu đá phiến ít chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá dầu tăng, thì các nền kinh tế châu Âu lại phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu. Điều này khiến họ phải gánh “gánh nặng kép”: giá năng lượng cao đẩy chi phí sinh hoạt tăng nhưng tăng trưởng kinh tế lại trì trệ. Vì vậy, các ngân hàng trung ương châu Âu buộc phải hành động sớm và mạnh tay để giữ vững đà tăng trưởng, dù Fed hay BoE vẫn đang “án binh bất động”.
Sóng nới lỏng còn tiếp diễn
Các phát biểu mới nhất từ Chủ tịch SNB Martin Schlegel, Thống đốc Riksbank Erik Thedéen và Thống đốc Norges Bank Ida Wolden Bache đều cho thấy các ngân hàng trung ương này sẵn sàng tiếp tục chu kỳ nới lỏng trong những tháng tới nếu rủi ro tiếp tục leo thang.
Điều này phản ánh một xu hướng rõ rệt: trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và bất ổn thương mại toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nhà hoạch định chính sách châu Âu buộc phải thích ứng nhanh chóng — bằng những quyết định cắt giảm lãi suất bất ngờ — để bảo vệ ổn định kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các cú sốc bất ngờ.
Mạnh Nam