5 ngày, 150 quả trứng và cú “lột xác” ngoại hình
Nhân vật chính là Joshua Allard, 25 tuổi, sống ở Oklahoma (Mỹ). Allard tự đặt mục tiêu mỗi ngày ăn 30 quả trứng, chia thành 5 bữa, mỗi bữa 6 quả, hoàn toàn không bổ sung thêm bất cứ loại thực phẩm nào khác.
Toàn bộ quá trình được anh quay lại và đăng tải trên kênh YouTube cá nhân ngày 16/6, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ sau vài ngày.
“Tôi đã giảm được nhiều mỡ, cơ thể săn chắc thấy rõ chỉ sau 5 ngày. Tôi không ăn thêm gì, không uống thực phẩm bổ sung, chỉ có trứng mà thôi”, Allard hào hứng chia sẻ kèm loạt ảnh minh chứng vóc dáng gọn gàng hơn.
Anh còn thừa nhận: “Cảm giác gần như nghiện, tôi phải tự kiềm chế để không ăn quá 30 quả mỗi ngày. Thật điên rồ!”
Tác dụng phụ không ngờ
Điều thú vị là, ngoài vóc dáng thon gọn, Allard khẳng định chế độ ăn chỉ toàn trứng đã giúp giấc ngủ ngon hơn, tinh thần thoải mái, giảm stress rõ rệt.
Sau khi kết thúc thử thách, anh dừng ăn trứng với số lượng lớn nhưng vẫn tiếp tục duy trì món này trong bữa ăn hằng ngày vì tin rằng trứng là “siêu thực phẩm” giàu protein, axit amin tốt cho sức khỏe.
“Tôi không khuyến khích ai bắt chước thử thách này, nhưng tôi vẫn khuyên mọi người nên ăn trứng với lượng phù hợp. Song song, hãy ăn thêm cá, thịt đỏ, rau củ để đảm bảo dinh dưỡng cân bằng”, Allard nói.
Chuyên gia cảnh báo: Không nên lạm dụng
Theo Giáo sư Tom Sanders, chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học King’s College London, mỗi ngày 30 quả trứng tương đương 2.000 calo, 195g protein, 135g chất béo – trong đó có 35g chất béo bão hòa và khoảng 10g cholesterol.
“Với người khỏe mạnh, ăn thực phẩm giàu cholesterol thường không gây hại nghiêm trọng, nhưng ăn số lượng lớn như vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cholesterol xấu LDL – yếu tố dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ”, ông Sanders nhấn mạnh.
Theo Healthline, người trưởng thành chỉ nên ăn khoảng 1–2 quả trứng mỗi ngày để đảm bảo an toàn cho tim mạch.
Bài học rút ra
Thử thách của Joshua Allard là một minh chứng thú vị về ý chí và sức chịu đựng, nhưng các chuyên gia đồng thuận rằng một chế độ ăn quá khắt khe, mất cân đối dinh dưỡng sẽ tiềm ẩn rủi ro sức khỏe lâu dài.
Do đó, muốn giảm cân hay cải thiện vóc dáng, bạn nên lựa chọn chế độ ăn khoa học, đa dạng thực phẩm và tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào “quá sức”.
Nguồn: Daily Mail, Healthline