Giữa không khí rộn ràng chuẩn bị cho lễ Quốc khánh 4/7, một doanh nhân Trung Quốc tên Adam Dai vẫn miệt mài theo dõi thói quen thưởng thức pháo hoa của người Mỹ.
Với ông Adam, việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng Mỹ đã trở thành công việc chính – yếu tố quan trọng giúp công ty của ông, Miracle Fireworks, phát triển vượt bậc.
Miracle Fireworks có trụ sở tại thành phố Liuyang (Hồ Nam, Trung Quốc) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ pháo hoa” của thế giới, đóng góp tới 60% lượng pháo hoa xuất khẩu của Trung Quốc với hơn 400 nhà máy hoạt động.
Thương hiệu của ông Adam nổi bật nhờ các sản phẩm mang đậm nét văn hóa Mỹ, như "Liberty Shells" với sắc cờ đỏ - trắng - xanh, “Maximum Machine Gun” gồm 388 phát pháo liên tục, hay “All Trumped Up” lấy cảm hứng từ cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, ông Adam phải đối mặt với một thử thách lớn: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đặc biệt, vào tháng 4 vừa qua, Mỹ bất ngờ nâng thuế nhập khẩu pháo hoa từ Trung Quốc lên hơn 140%, khiến ngành này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Bà Stacy Schneitter Blake – Chủ tịch Hiệp hội Pháo hoa Quốc gia Mỹ (NFA) – cho biết, việc tăng thuế khiến giá sản phẩm tăng mạnh, nhiều đơn hàng bị tạm ngưng, và các nhà tổ chức buộc phải chi trả nhiều hơn để duy trì các buổi trình diễn pháo hoa. Dù sau đó mức thuế được hạ xuống dưới 40%, ngành pháo hoa Mỹ vẫn bất an vì nguy cơ thuế tăng trở lại bất kỳ lúc nào.
Sự lo lắng càng gia tăng khi Mỹ chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 250 năm ngày Quốc khánh vào năm 2026 – thời điểm được dự đoán có nhu cầu pháo hoa tăng đột biến. Các nhà sản xuất như Adam Dai cần lên kế hoạch từ rất sớm, nhưng chính sách thuế bấp bênh khiến họ chùn bước.
Trong tháng này, hai hiệp hội lớn của ngành pháo hoa Mỹ – APA và NFA – sẽ cùng vận động tại Washington để kêu gọi chính phủ duy trì thuế thấp. Trong khi đó, ông Adam cùng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang phân vân giữa việc tiếp tục đầu tư mạnh vào thị trường Mỹ hay tạm thời thu hẹp sản xuất, chờ tình hình sáng tỏ.
Hiện tại, Mỹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào pháo hoa Trung Quốc: 99% sản phẩm tiêu dùng và 75% pháo trình diễn được nhập khẩu từ quốc gia này. Ngành sản xuất pháo hoa nội địa Mỹ đã suy giảm từ những năm 1980 do chi phí nhân công cao, luật an toàn nghiêm ngặt và cạnh tranh gay gắt từ hàng Trung Quốc giá rẻ.
Con đường đến với pháo hoa của Adam Dai khá bất ngờ. Ban đầu, ông mơ làm cảnh sát, nhưng do thị lực yếu nên chuyển sang bán pháo hoa – dù khi ấy chưa từng đặt chân đến Mỹ.
Ông tự học tiếng Anh bằng cách đọc to các email từ khách hàng, ghi nhớ từ vựng và sử dụng thành ngữ Mỹ. Từ năm 2010, ông thường xuyên đến Mỹ, tìm hiểu sâu văn hóa địa phương, từ thể thao đến phim ảnh.
Nhờ sự nhạy bén đó, Miracle Fireworks định hình được hình ảnh thương hiệu rực rỡ và đậm bản sắc Mỹ. Đặc biệt, các sản phẩm liên quan đến ông Trump bán chạy hơn hẳn so với những mẫu lấy cảm hứng từ các cựu tổng thống Obama hay Biden.
Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu tăng lên 145%, khách hàng Mỹ đồng loạt yêu cầu công ty giảm giá hoặc ngừng giao hàng. Adam từ chối vì lợi nhuận của ông vốn đã thấp, chỉ dao động từ 5–13%. Hệ quả là 30 container hàng hóa trị giá 1,2 triệu USD vẫn tồn kho, chưa được thanh toán.
Ngành pháo hoa Mỹ – Trung cùng thừa nhận việc sản xuất tại Mỹ gần như bất khả thi. Trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ, APA và NFA khẳng định Mỹ thiếu nguyên vật liệu, nhân công đắt đỏ và chịu ràng buộc pháp lý nặng nề khiến việc hồi sinh ngành trong nước là điều viển vông.
Dẫu vậy, Adam Dai vẫn tin tưởng vào thị trường Mỹ, đặc biệt trong dịp đại lễ năm 2026. Công ty ông đang phát triển 15 sản phẩm mới, trong đó có loại pháo 250 phát bắn, cùng mẫu lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ tên lửa “Golden Dome” mà Mỹ đang cân nhắc áp dụng.
Tháng 8 tới, ông Adam sẽ trở lại Mỹ để gặp gỡ các khách hàng, mang theo niềm hy vọng đưa Miracle Fireworks hiện diện tại cả 50 bang – thay vì 37 bang như hiện nay.
(Nguồn: WSJ)