CTCP Chứng khoán SSI vừa ra báo cáo ngành điện với những nhận định cho năm 2022. Nhóm phân tích cho rằng cung cầu điện sẽ cân bằng hơn do tăng trưởng tiêu thụ điện ước tính có thể trở về mức bình thường.

Cung cầu điện cân bằng trong năm 2022

"Với giả định nếu công suất điện mặt trời không thay đổi thêm và công suất điện gió được triển khai đúng theo dự thảo Quy hoạch điện 8, tỷ lệ cung/cầu điện trên toàn quốc sẽ đạt mức cân bằng năm 2022", báo cáo viết.

Hiệu suất hoạt động của các nguồn điện tái tạo dự kiến cũng sẽ đạt mức thiết kế, thay vì ở tỷ lệ thấp bất thường vào năm 2021 do dư cung. Hơn nữa, công suất của các nhà máy điện gió sẽ ít biến động hơn so với các nhà máy điện mặt trời/thủy điện liên quan đến hiện tượng El Nino và La Nina.

SSI cho rằng, với giá FIT là 8,5 cents/kwh, các dự án điện gió trên bờ cũng sẽ cạnh tranh hơn so với nguồn điện mặt trời với giá FIT cao hơn là 9,35 cents/kwh.

Nguồn: SSI Research  

Lợi nhuận nhà máy nhiệt điện bị ảnh hưởng trong năm 2021

SSI cho rằng triển vọng lợi nhuận của các nhà máy nhiệt điện trong năm 2021 sẽ khá tiêu cực do: (i) công suất tăng mạnh ở nhóm năng lượng mặt trời, (ii) nhu cầu tiêu thụ điện còn thấp và (iii) chu kỳ thời tiết La Nina. Do đó, sản lượng huy động và hiệu suất hoạt động của nhà máy nhiệt điện sẽ thấp hơn và kèm theo tỷ sản lượng theo hợp đồng (% Qc) cũng sẽ giảm do EVN ưu tiên huy động nguồn thuỷ điện. Do đó lợi nhuận của các công ty nhiệt điện sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực tăng giá khí/than đầu vào.

Về giá than/khí đầu vào:

- Giá dầu nhiên liệu (FO), đại diện cho giá khí (46% FO), đã tăng bình quân 58% so với cùng kỳ từ đầu năm 2021. Một số công ty điện khí đặt kế hoạch giá khí khá cao, ví dụ như NT2 đặt kế hoạch giá khí là 7,2 USD/mbtu (tăng 21% so với cùng kỳ).

- Quan điểm của SSI cho rằng giá than trong khu vực từ Australia và Indonesia cũng tăng sẽ áp lực cho Vinacomin (TKV) nâng giá bán than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện. Sản lượng than nhập khẩu chiếm gần một nửa tổng lượng than tiêu thụ trong nước (và chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia và Australia). Tính bình quân từ đầu 2021 đến nay, giá than giao ngay của Australia loại 6000kcal/kg và giá than Indonesia loại 6322kcal/kg lần lượt tăng 35% và 26% so với cùng kỳ.

 

Theo Nhịp sống kinh tế