"Khối ngoại bán ròng" có lẽ là cụm từ nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam được nghe nhiều nhất thời gian gần đây. Liên tiếp 2 tháng 5 và 6, giá trị bán ròng trên HoSE đều vượt mức 15.000 tỷ. Mặc dù mức độ đã có phần hạ nhiệt và cường độ cũng bớt dồn dập hơn nhưng khối ngoại vẫn xả ròng 7.400 tỷ đồng trong tháng 7.

Từ đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 59.500 tỷ đồng trên HoSE, vượt qua mức bán ròng kỷ lục trước đó trong năm 2021. Luỹ kế từ khi TTCK Việt Nam hoạt động năm 2000 đến nay, giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ còn 6.500 tỷ đồng (theo thống kê HoSE, chỉ tính giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn). Đây là con số rất khiêm tốn so với quy mô vốn hóa hơn 5 triệu tỷ và thanh khoản khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên trên HoSE.

photo-1722266581201

Thực tế, khối ngoại từng có giai đoạn liên tục bơm tiền mua cổ phiếu Việt Nam thông qua khớp lệnh và thoả thuận trên sàn chứng khoán. Giá trị mua ròng luỹ kế có thời điểm đạt gần 140.000 tỷ đồng vào cuổi năm 2019. Tuy nhiên, thành quả này nhanh chóng bị thổi bay sau khi xu hướng đảo chiều từ năm 2020. Ở một góc độ nào đó có thể coi như khối ngoại đang dựng mô hình "cây thông" về dòng vốn trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đà bán ròng của khối ngoại như (1) động thái chốt lời; (2) chênh lệch lãi suất khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam; (3) áp lực tỷ giá ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của các quỹ ngoại trên TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, những yếu tố trên chỉ mang tính ngắn hạn, khó có thể lý giải cho một xu hướng kéo dài nhiều năm qua. Mấu chốt của vấn đề là việc thiếu hàng hóa chất lượng. Trước đây, dòng tiền ngoại vào thị trường bền bỉ khi thị trường liên tiếp có những làn sóng doanh nghiệp đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, bao gồm cả khối tư nhân và Nhà nước thông qua hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn.

Những năm gần đây, hoạt động này đã ảm đạm hơn rõ rệt. Thiếu hàng mới trong khi các cổ phiếu lọt mắt xanh của khối ngoại lại kín room khiến lựa chọn bị thu hẹp. Một số cổ phiếu trước đây là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng những thay đổi về vĩ mô và nội tại doanh nghiệp đã khiến dòng vốn ngoại rút ra.

Việc thiếu hàng hóa cũng ảnh hưởng đến hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ngoại có quy mô lớn. Danh mục của các "cá mập" chủ yếu là những gương mặt quen thuộc. Các bộ chỉ số tham chiếu cho các quỹ ETF cũng "na ná" nhau với cơ cấu chủ yếu gồm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Nhà đầu tư gần như không có lựa chọn khác.

photo-1722266597435

TTCK Việt Nam ngày càng phân hóa khiến hiệu suất của các quỹ khó tạo ra sự bứt phá ấn tượng. Thậm chí, một số còn ghi nhận hiệu suất khá tệ. Điều này dẫn đến việc khó hút vốn, điển hình là trường hợp BlackRock quyết định đóng quỹ iShares Frontier and Select EM ETF sau 12 năm hoạt động.

Linh hoạt hơn nhưng các quỹ chủ động, quỹ mở cũng không dễ để xây dựng được một danh mục đa dạng khi cơ cấu TTCK Việt Nam vẫn quá chênh lệch về nhóm tài chính và bất động sản. Trong khi đó, những lĩnh vực "hot trend" như công nghệ, bán lẻ, y tế, năng lượng,… lại không có nhiều đại diện nổi bật. Điều này sẽ còn là rào cản với dòng vốn ngoại trong tương lai.

Về mặt lý thuyết, chứng khoán Việt Nam có thể đón dòng vốn ngoại lên đến hàng chục tỷ USD nếu được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ tiêu chí để lọt danh mục của các quỹ ngoại quy mô lớn chuyên đầu tư vào nhóm thị trường mới nổi, là không nhiều. Ngược lại, các quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cận biên khi đó sẽ bán ra lượng lớn cổ phiếu Việt Nam.

Nhìn chung, đảo chiều dòng vốn ngoại quay trở lại TTCK Việt Nam là việc không đơn giản và sẽ khó có thể diễn ra trong ngắn hạn. Một điểm tích cực là dù xả hàng liên tục trên sàn chứng khoán nhưng tiền ngoại thực tế không rút khỏi thị trường. Dòng vốn ngoại vẫn âm thầm đổ vào qua các thương vụ mua cổ phần trong các đợt chào bán, mua thoả thuận ngoài sàn thông qua VSD. Lực mua không dàn trải mà tập trung vào những doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng với nhữn câu chuyện riêng biệt.

Hà Linh