Mùa bầu cử tổng thống Mỹ đầy biến số

Ngày 21-7 (giờ địa phương), trong một thông báo trên mạng xã hội X, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tuyên bố dừng chiến dịch tái tranh cử của mình. Lần đầu tiên trong suốt 50 năm lịch sử nước Mỹ, một tổng thống đương nhiệm quyết định rời bỏ chiến dịch tái cử nhiệm kỳ 2, kể từ khi Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố không tái tranh cử vào năm 1968.

cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Sau những áp lực trong nội bộ đảng Dân chủ suốt ba tuần vì màn thể hiện đáng thất vọng tại vòng tranh biện ứng viên tổng thống hồi cuối tháng 6 với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (đại diện đảng Cộng hoà), ông Biden đã quyết định dừng cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2. Ông Biden sẽ hoàn thành nốt những ngày tháng cuối cùng của nhiệm kỳ của mình cho đến khi chuyển giao lại Nhà Trắng cho tổng thống kế nhiệm.

Đáng chú ý, toàn bộ quyết định này diễn ra chỉ trong vòng 48 tiếng, theo những ghi nhận hậu trường của tờ Politico. Nước đi của ông Biden được tung hô như một “hành động dũng cảm” - như lời bình luận của tờ The New York Times. Đài CNN cũng đã ghi nhận sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo thế giới về quyết định của ông Biden.

Có lẽ, đảng Dân chủ đã phần nào “nhẹ gánh” trước sự rút lui của ông Biden. Tuy vậy, một con đường khó khăn phía trước vẫn đang chờ. Đảng Dân chủ chắc hẳn còn nhiều việc phải làm. Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ Jaime Harrison thông báo rằng sẽ “thực hiện các bước cần thiết cho quá trình đề cử ứng viên”.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang nổi lên như một ứng viên hàng đầu thay thế ông Biden và được chính ông Biden ủng hộ. Bà Harris đã nhận được sự ủng hộ từ các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ, như cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, cựu Tổng thống Bill Clinton cùng vợ ông là cựu Ngoại trưởng và “cựu đối thủ” của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử 2016 - bà Hillary Clinton, cùng một số thành viên cấp cao khác.

Tuy nhiên, một số tiếng nói lớn khác trong đảng Dân chủ, như cựu Tổng thống Barack Obama, Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer vẫn chưa lên tiếng về việc liệu rằng bà Harris có phải là ứng viên tiềm năng để thay thế ông Biden hay không.

Dù có là ai, nếu chọn một ứng viên thay thế, đảng Dân chủ sẽ phải “loay hoay” với cả một chặng đường dài cho chiến dịch tranh cử vốn chỉ còn đang đếm bằng ngày. Trong trường hợp đảng này không chọn được ứng viên trước Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra vào tháng 8, Đại hội sẽ tiến hành bầu cử trực tiếp ứng viên. Đến thời điểm đó, dù ai chiến thắng, mọi chuyện cũng đã khá muộn màng.

Bởi chọn được ứng viên là một chuyện, việc chuẩn bị cho ứng viên đó “chiến đấu” với phe Cộng hòa là một chuyện khác. Hàng loạt công tác phải tính đến như cương lĩnh tranh cử, lựa chọn ứng viên phó tổng thống, gây quỹ, truyền thông,... Nhưng với “sự khởi đầu mới” này, có lẽ đảng Dân chủ ít nhất đã có một “hình tượng” để bám víu và đoàn kết hơn trước cuộc đua tháng 11 năm nay.

Đường đến Nhà Trắng của ông Trump đang rộng mở?

Tình huống hiện tại phần nào đang ưu ái ông Trump, nhất là sau vụ ám sát hụt nhắm đến vị cựu tổng thống trong lúc ông đang tranh cử ở bang Pennsylvania. Dù suýt mất mạng, nhưng ông Trump dường như “ghi điểm” trước công chúng với hình ảnh “đấm tay lên trời” đầy mạnh mẽ của mình ngay sau sự cố này.

harris-trump.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khả năng sẽ đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Các rắc rối pháp lý đeo bám ông Trump, hoặc đã bị dời tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hoặc đã bị bãi bỏ nhờ phán quyết từ Toà án Tối cao Mỹ về “tính miễn trừ tuyệt đối của tổng thống”. Ngoài ra, nội bộ đảng Cộng hòa đang cho thấy sự ủng hộ tuyệt đối dành cho vị cựu tổng thống. Thậm chí, Thượng Nghị sĩ J.D Vance - người từng tuyên bố không ủng hộ ông Trump, giờ đã trở thành cộng sự với ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Ngay sau khi ông Biden tuyên bố rút lui, ông Trump và các thành viên của đảng Cộng hòa không hề bỏ lỡ cơ hội để tấn công vào sự bấp bênh hiện tại của đảng Dân chủ. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với đài CNN cũng như một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã chỉ trích ông Biden và nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông Trump cũng khá tự tin khi cho rằng nếu bà Harris là ứng cử viên của đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chiến thắng sẽ còn dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, với lịch sử khó đoán định của các cuộc bầu cử Mỹ, không gì là chắc chắn. Trong trường hợp bà Harris trở thành ứng viên của đảng Dân chủ, dù ông Trump vẫn đang dẫn trước, tuy nhiên, so với Tổng thống Biden, sự ủng hộ của bà Harris vẫn đang tốt hơn. Trong các cuộc khảo sát gần đây, so với tỉ lệ ủng hộ 47-44 điểm phần trăm giữa ông Trump và ông Biden, bà Harris có vị thế cải thiện hơn ở mức 46-48.

Mặt khác, nếu nhận được đề cử, bà Harris sẽ là ứng viên Tổng thống nữ da màu và gốc Á đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Điều này sẽ giúp huy động được rất nhiều nhóm cử tri quan trọng, đặc biệt là các cử tri đi bầu lần đầu. Có lẽ ông Trump và đội ngũ của mình cũng nên lưu ý rằng, trong cuộc bầu cử 2008, ông Obama đã giành được sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa từng đi bầu lần nào, đặc biệt là tỉ lệ này ở nhóm cử tri quan trọng, như các nhóm cử tri da màu. Điều này đã giúp ông Obama giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm đó.

Theo khảo sát, các nhóm cử tri này đang ủng hộ bà Harris hơn cả ông Biden. Vì vậy, bà Harris cũng hoàn toàn có thể tận dụng được lợi thế này trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Không chỉ vậy, với sự xuất hiện thường xuyên của đương kim Phó Tổng thống tại các “bang chiến địa” cho các chiến dịch tranh cử trước đó của ông Biden, hình ảnh và tỉ lệ ủng hộ của bà Harris không hề thua kém. Theo một khảo sát của New York Times từ ngày 9 đến 12-7, bà Harris chỉ thua ông Trump 1 điểm tại bang Pennsylvania (ông Biden thua đến 3 điểm tại bang này) và dẫn trước ông Trump 5 điểm tại bang Virginia (ông Biden chỉ dẫn trước 3 điểm).

Bên cạnh đó, có lẽ nếu bà Harris trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử, đảng Cộng hòa cũng sẽ phải tính toán lại chiến dịch tranh cử của ông Trump, vốn ban đầu được thiết kế để nhắm vào cuộc tái đấu với ông Biden. Chính sự gấp rút của đảng Dân chủ có lẽ lại tạo cho họ một “cơ hội vàng” và khiến đảng Cộng hòa phải gấp rút điều chỉnh nhiều thành tố trong một thời gian ngắn như vậy.

Như vậy, với những số liệu đến hiện tại, cuộc chiến sắp tới sẽ khá cân bằng và có lẽ chỉ ngã ngũ sau cuộc bầu cử được trông chờ nhất vào tháng 11.

Nước Mỹ và thế giới hồi hộp chờ xem ai là chủ nhân Nhà Trắng

Được xem là cuộc bầu cử cho vị trí ảnh hưởng nhất hành tinh, cuộc đua vào Nhà Trắng không chỉ được người dân Mỹ mà còn bởi khán giả quốc tế trông chờ. Với sức ảnh hưởng của nước Mỹ, việc ai sẽ ngồi trong Phòng Bầu dục sẽ tạo nên nhiều biến động.

509a2d34-d090-41f4-8432-302e285b.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Với tình thế hỗn loạn hiện tại, thật khó để đưa ra phán đoán. Có lẽ, nhiều cử tri Mỹ đã được “đáp ứng nguyện vọng” khi họ không phải xem lại “cuộc tái đấu nhàm chán” giữa ông Biden và ông Trump. Tuy vậy, sự bất định còn nhiều hơn và thậm chí còn kịch tính hơn cả các cuộc bầu cử trước đó với hàng loạt sự kiện mang tính bước ngoặt diễn ra chỉ trong chưa đầy 1 tuần.

Sự mơ hồ đang phủ bóng lên truyền thông và người dân Mỹ. Nếu ông Trump thất bại, một sự cố như ngày 6-1-2021 (cuộc tấn công của những người ủng hộ ông Trump vào tòa nhà quốc hội Mỹ) có lặp lại? Nhưng nếu ông Trump chiến thắng, những xáo trộn nào sẽ chờ đón người dân Mỹ?

Các quốc gia khác, dù là đồng minh, đối tác hay đối thủ của Mỹ, đều đang chuẩn bị cho mọi kịch bản. Một kịch bản với Tổng thống Trump 2.0 với đầy sự khó đoán và thất thường. Thế nhưng nếu bà Harris chiến thắng vị trí quyền lực nhất nước Mỹ, bà sẽ làm gì? Nhất là khi vai trò hậu trường trong 4 năm qua không tiết lộ nhiều quan điểm về chính sách đối ngoại của bà.

Nước Mỹ sẽ theo kịch bản nào, và thế giới sẽ chứng kiến điều gì, tất cả phụ thuộc vào người chiến thắng trong cuộc đua vào tháng 11 năm nay.

TS. NGUYỄN TĂNG NGHỊ (KHOA QHQT, TRƯỜNG ĐH KHXH&NV TP. HCM)