EU dẫn đầu danh sách ‘điểm nóng’ hàng giả
Trong số này, riêng Liên minh châu Âu (EU) đã nổi lên như một ‘điểm nóng’ đặc biệt khi ghi nhận gần 99 tỷ euro hàng giả được nhập khẩu, chiếm khoảng 4,7% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của toàn khu vực. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 20 trong số 25 quốc gia bị xếp hạng là thị trường tiêu thụ hàng giả lớn nhất đều thuộc EU.
Đức là quốc gia dẫn đầu thế giới về giá trị hàng giả bị tịch thu, chiếm hơn 25% tổng giá trị hàng giả bị thu giữ toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ về khối lượng. Pháp và Bỉ cũng là những ‘cửa ngõ’ quan trọng, lần lượt chiếm 9% và 7% giá trị hàng giả bị bắt giữ.
Quần áo, giày dép và đồng hồ: nhóm hàng ‘ưa chuộng’ để làm giả
Về mặt hàng, quần áo và giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm bị làm giả và tịch thu. Xét về giá trị, đồng hồ giả nổi bật hơn cả, chiếm gần 30% tổng giá trị hàng giả trên thị trường thế giới. Ngoài ra, mỹ phẩm và đồ chơi — những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe và an toàn người tiêu dùng — cũng nằm trong nhóm sản phẩm bị làm giả phổ biến, xếp lần lượt thứ 6 và thứ 7 về khối lượng bị tịch thu trong giai đoạn 2020–2021. Phụ tùng ô tô và dược phẩm giả cũng được cảnh báo là tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Trung Quốc vẫn là nguồn gốc hàng giả chủ yếu
Nguồn gốc của hàng giả hướng vào EU chủ yếu từ Trung Quốc — chiếm hơn 50% — tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (22%) và Hồng Kông (12%).
Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng giả cũng ngày càng tinh vi. Hơn một nửa số hàng giả được phát hiện được gửi qua bưu điện (58%), cho thấy sự bùng nổ của các kênh giao dịch trực tuyến nhỏ lẻ nhưng rải rác khắp nơi. Các hình thức khác như chuyển phát nhanh (17%), vận tải hàng không (13%) và đường bộ (10%) cũng được các tổ chức buôn bán hàng giả tận dụng triệt để.
Thách thức ngày càng phức tạp
OECD cảnh báo hoạt động buôn bán hàng giả không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho các doanh nghiệp hợp pháp mà còn tiếp tay cho tham nhũng, tội phạm có tổ chức, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và kìm hãm sự đổi mới.
Đặc biệt, các khủng hoảng toàn cầu gần đây như đại dịch COVID-19 hay xung đột tại Ukraine đã khiến công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và kiểm soát hàng giả thêm phần khó khăn. Gián đoạn chuỗi cung ứng và thay đổi ưu tiên trong thực thi thương mại làm gia tăng lỗ hổng để các mạng lưới buôn bán hàng giả hoạt động mạnh mẽ hơn.
OECD khuyến nghị các quốc gia cần siết chặt hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực kiểm soát biên giới và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như môi trường kinh doanh lành mạnh.
TK