Không phải cứ lớn nhanh là tốt

Trong quá khứ, không ít công ty chạy theo khẩu hiệu “càng lớn càng tốt” đã sớm rơi vào khủng hoảng do mở rộng ồ ạt mà thiếu nền tảng nội lực, mất kiểm soát chất lượng và đánh mất bản sắc thương hiệu. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp kiên trì với chiến lược tập trung, phát triển chậm mà chắc, lại xây được giá trị bền vững và tạo dựng lòng tin sâu rộng nơi khách hàng.

Whole Foods là một minh chứng tiêu biểu. Thay vì chạy đua mở cửa hàng mới để cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ khổng lồ, Whole Foods giữ vững triết lý cung cấp thực phẩm hữu cơ, minh bạch nguồn gốc và chất lượng cao. Nhờ sự kiên định này, họ tạo dựng được tệp khách hàng trung thành, duy trì biên lợi nhuận hấp dẫn và cuối cùng được Amazon mua lại với mức giá gần 14 tỷ USD.

Một câu chuyện thành công khác là Patagonia. Thay vì chạy theo cuộc đua tung sản phẩm liên tục như các hãng đồ thể thao khác, Patagonia đi ngược dòng với những chiến dịch khuyến khích khách hàng “đừng mua nếu không thực sự cần thiết”. Họ đầu tư vào vật liệu tái chế, minh bạch quy trình sản xuất và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhờ triết lý kinh doanh nhất quán, Patagonia được xếp vào nhóm “triple outperformers” theo McKinsey — những công ty vừa tăng trưởng doanh thu, vừa tạo ra giá trị xã hội và môi trường.

Mở rộng cũng có thể là đòn bẩy quan trọng

Tuy nhiên, tập trung không phải là công thức duy nhất. Trong nhiều tình huống, mở rộng đúng cách vẫn là đòn bẩy quan trọng để bứt phá. Không ít tập đoàn lớn đã thành công nhờ mua lại đối thủ, thâm nhập thị trường mới hoặc đa dạng hóa sản phẩm.

Dù vậy, các nghiên cứu từ Harvard Business Review cảnh báo, tăng trưởng chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm tái cấu trúc tổ chức, kiểm soát chi phí và chiến lược định vị rõ ràng. Các doanh nghiệp chạy theo “tăng trưởng bằng mọi giá” thường dễ mắc bẫy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận suy giảm, văn hóa công ty rạn nứt và rủi ro khủng hoảng thương hiệu. Ngược lại, các tập đoàn biết chọn điểm “mở rộng đúng lúc, dừng đúng chỗ” như Unilever hay Fonterra thường duy trì được lợi nhuận bền vững và năng lực cạnh tranh dài hạn.

Chiến lược bền vững: Linh hoạt và nhất quán

Vậy chiến lược nào là tối ưu? Các chuyên gia McKinsey khuyến nghị cách tiếp cận kết hợp: doanh nghiệp nên trải qua chu kỳ “tập trung – mở rộng – tái định vị” phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu cần củng cố nền tảng, sau đó mở rộng khi mô hình đã vững chắc, và cuối cùng tái cơ cấu để thích ứng với bối cảnh mới.

HV