214 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 39.929.571 ca nhiễm và 1.114.120 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 398.421 và 6.092 ca sau 24 giờ, trong khi 29.874.151 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm ở Philippines ngày 16/10. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm ở Philippines ngày 16/10. Ảnh: Reuters.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 8.339.365 ca nhiễm và 224.258 người chết, tăng lần lượt 56.738 và 678 ca so với một ngày trước đó.

Giới chuyên gia cảnh báo nhiều bang có khả năng chuẩn bị hứng đợt bùng phát mới, đặc biệt là xu hướng đáng báo động tại vùng đông bắc đất nước. Tuần trước, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày của Mỹ là hơn 46.000, tăng 12% so với tuần trước đó. Số ca nhập viện cũng trên đà tăng. Những ca nhiễm ở độ tuổi thanh niên được cho là là nguyên nhân dẫn tới các điểm nóng Covid-19 mới.

Một số bang đưa ra quy định phòng dịch mới. Thống đốc bang Nebraska Pete Ricketts yêu cầu các bệnh viện dành ít nhất 10% số giường bệnh chung và khu chăm sóc tích cực cho bệnh nhân Covid-19. New Mexico ra lệnh cấm tụ tập mới và yêu cầu các cơ sở bán rượu đóng cửa lúc 22h.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 62.092 ca nhiễm và 1.032 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 7.492.727 và 114.064.

Dù số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Bộ Y tế nước này vẫn chỉ ra dấu hiệu tích cực là tỷ lệ khỏi bệnh đã tăng gần 100% trong tháng trước. Thêm vào đó, hơn 6,5 triệu người đã bình phục. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Ấn Độ có thể vượt Mỹ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch

Ấn Độ bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống nCoV trên toàn quốc từ hồi tháng 6, trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá và hàng triệu người mất việc làm. Dịch bệnh ban đầu bùng phát ở các thành phố lớn, nhưng sau đó lây lan đến vùng nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều yếu kém. Các rạp chiếu phim ở nước này mở lại từ 16/10.

Từ 17/10, Ấn Độ bắt đầu chọn 300 triệu người sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước, bao gồm nhân viên y tế và vệ sinh tuyến đầu, cảnh sát, người già có bệnh nền. Kế hoạch nhằm tiêm chủng 23% dân số trong giai đoạn đầu này vẫn đang trong giai đoạn dự thảo. Kế hoạch cuối cùng có thể sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 10 đầu tháng 11.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 446 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 153.675. Số người nhiễm nCoV tăng 22.792 trong 24 giờ qua, lên 5.224.362.

Mỹ Latinh và Caribe là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới về số ca tử vong, trong đó Brazil chiếm phần lớn. Số người chết vì nCoV tại Brazil cũng cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Thống kê cho thấy số liệu về nCoV của Brazil đang trên đà giảm sau khi tăng vọt hồi mùa hè. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá quá trình giảm này diễn ra chậm hơn so với các nước châu Âu và châu Á, đồng nghĩa với việc Brazil có thể chưa vượt qua làn sóng Covid-19 đầu tiên.

Nga ghi nhận thêm 279 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 24.002, trong khi số ca nhiễm tăng 14.922, lên 1.384.235. Giống như nhiều quốc gia ở châu Âu, Nga đang chứng kiến ca nhiễm tăng khi thời tiết lạnh trở lại.

Điện Kremlin cho biết họ lo ngại về ca nhiễm tăng nhưng nhấn mạnh tình hình trong tầm kiểm soát. Moskva yêu cầu doanh nghiệp cho ít nhất 30% nhân viên làm việc từ xa và cho học sinh trung học học trực tuyến.

Nga ngày 14/10 cấp phép cho vaccine Covid-19 thứ hai, EpiVacCorona, do viện Vector phát triển. Viện Vector đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một với EpiVacCorona từ tháng trước, với sự tham gia của 100 tình nguyện viên, từ 18-60 tuổi. 40.000 tình nguyện viên trên khắp nước Nga sẽ tiếp tục tham gia thử nghiệm vaccine này.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 12 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 702.131 ca nhiễm và 18.408 ca tử vong, tăng lần lượt 1.928 và 38 ca. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Chính phủ Nam Phi quyết định mở biên với hầu hết quốc gia từ ngày 1/10, đồng thời dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Hành khách đến Nam Phi cần xuất trình kết quả âm tính nCoV được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, hoặc chịu cách ly bắt buộc và tự trả phí.

Tình hình dịch diễn biến phức tạp trở lại ở các nước châu Âu. Pháp ghi nhận thêm 32.427 ca nhiễm nCoV, mức tăng hàng ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 867.197 ca, trong đó 33.392 người chết, tăng 89 trường hợp. Theo ước tính, các bệnh nhân sẽ sớm lấp đầy toàn bộ giường chăm sóc tích cực tại hệ thống bệnh viện ở Paris.

Tổng thống Emmanuel Macron ban bố lệnh giới nghiêm ở Paris và 8 thành phố lớn khác trong 6 tuần, bắt đầu từ 17/10. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 21h đến 6h sáng hôm sau. Đi lại vì mục đích thiết yếu vào khung giờ này vẫn được cho phép. Người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt 135 EUR (gần 160 USD).

Anh ghi nhận 705.428 ca nhiễm và 43.579 ca tử vong, tăng lần lượt 16.171 và 150 trường hợp. Đây là nước ghi nhận số người chết vì nCoV nhiều nhất châu Âu. Hàng triệu người ở Anh đang phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ hơn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 12/10 yêu cầu đóng cửa các quán rượu ở thành phố Liverpool như một phần của chiến lược ứng phó đại dịch mới. Ông cho biết những doanh nghiệp buộc phải đóng cửa sẽ được chính phủ hỗ trợ. Ngày 16/10, thêm nhiều khu vực ở tây bắc Anh được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng chính phủ đã "mất kiểm soát" Covid-19 do phớt lờ lời khuyên của giới chuyên gia.

Tại thủ đô London, nơi được xác định có "mức độ rủi ro cao", người dân không được gặp bất kỳ ai trong nhà ngoài thành viên gia đình, bạn bè hoặc người thân giúp chăm trẻ.

Đức cho biết ca nhiễm hàng ngày ở nước này đạt mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đức hiện ghi nhận 361.733 ca nhiễm và 9.853 ca tử vong, tăng lần lượt 4.941 và 17.

Khi Covid -19 lần đầu tấn công châu Âu đầu năm nay, Đức được ghi nhận là đã thực hiện các biện pháp sớm và có mục tiêu giúp ngăn chặn virus tốt hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, khi làn sóng thứ hai tấn công nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các vết nứt trong thể chế liên bang đang bắt đầu lộ ra.

Lãnh đạo các bang của Đức thường xuyên gặp Thủ tướng Angela Merkel để thống nhất các quy tắc và luật lệ, nhưng cuối cùng mỗi bang có quyền quyết định có áp đặt hay không. Lệnh cấm đi lại được thống nhất tuần trước về mặt lý thuyết ngăn người từ các khu vực có nguy cơ ở Đức đặt chỗ ở qua đêm tại một bang khác. Nhưng nhiều bang của Đức đã từ chối tuân thủ lệnh cấm hoặc điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của họ.

Thủ tướng Merkel kêu gọi người dân giảm thiểu đi lại không thiết yếu, hạn chế tiếp xúc với nhau và ở nhà nhiều nhất có thể.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 30.123 người chết, tăng 253, trong khi tổng số ca nhiễm là 526.490, tăng 4.103. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với sự gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Hôm 10/10, Tehran bắt đầu áp dụng quy định phạt tiền những người vi phạm hướng dẫn y tế. Các hành vi bị phạt bao gồm không chịu cách ly khi ốm, hay không đeo khẩu trang nơi công cộng. Doanh nghiệp cũng có thể bị phạt nếu không đảm bảo khách hàng đeo khẩu trang. Tổng thống Hassan Rouhani cho biết biện pháp này có thể được mở rộng sang địa phương khác.

Tại Đông Nam Á, Indonesia đã vượt Philippines, thành vùng dịch lớn nhất khu vực. Nước này ghi nhận 357.762 ca nhiễm, tăng 4.301 so với hôm trước, trong đó 12.431 người chết, tăng 84 ca.

Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn nCoV từ hồi đầu tháng 4 rồi dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, vài tuần sau, số ca nhiễm mới ở thủ đô tăng vọt. Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai để thực thi các biện pháp hạn chế từng thường xuyên bị phớt lờ, nhưng việc buộc người dân tuân thủ vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế lao dốc.

Philippines báo cáo 354.338 ca nhiễm và 6.603 ca tử vong, tăng lần lượt 2.673 và 73 ca. Các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh kéo dài đến ngày 31/10. Nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ Philippines cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế. Philippines dỡ bỏ lệnh cấm người dân du lịch nước ngoài từ 21/10.

Hầu hết doanh nghiệp được phép tái mở cửa từ khi Manila kết thúc lệnh phong tỏa hôm 19/8. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn, trong khi trẻ em, người già và phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên ở nhà. Chính phủ đặt mục tiêu xét nghiệm 10 triệu người, tương đương 1/10 dân số, vào quý II năm sau.

Tổng thống Philippines Duterte cho biết ông muốn toàn bộ 113 triệu dân nước này tiêm vaccine Covid-19 nhưng ưu tiên sẽ dành cho người nghèo, cảnh sát và quân nhân. Ông nhấn mạnh rằng ông muốn mua vaccine từ Nga hoặc Trung Quốc.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Hans Kluge ngày 15/10 nói rằng đã đến lúc "tăng cường các biện pháp" vì ca nhiễm gia tăng ở châu lục này là "mối lo ngại lớn". Tuy nhiên, ông cho biết tình hình không tồi tệ như đỉnh điểm vào tháng 3 và tháng 4, đồng thời nhấn mạnh giới chức nên tránh phong tỏa hoàn toàn vì thiệt hại kinh tế đối với người dân là quá nhiều.

Theo vnexpress.net