Hàng không chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 ẢNH: ĐỘC LẬP

Kéo doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp (DN) hàng không giảm sâu doanh thu, thiếu hụt dòng tiền và có thể gây mất khả năng thanh toán, phá sản. Nếu không có biện pháp đặc thù thì hệ lụy xảy ra có thể rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc, cạnh tranh của ngành hàng không, hàng ngàn người lao động mất việc làm và sẽ tốn nguồn lực, chi phí rất lớn để phục hồi lại trạng thái trước dịch bệnh. Do đó, bộ này đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các DN hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.

Nên theo nguyên tắc không phân biệt

TS Cấn Văn Lực phân tích thêm: “Về lý, nhà nước phải hỗ trợ cả DN nhà nước và DN tư nhân theo nguyên tắc không phân biệt. Mức độ hỗ trợ tùy thuộc vào thị phần và đóng góp của mỗi DN. VNA cần hỗ trợ 12.000 tỉ, tôi nghĩ có thể dùng tiền ngân sách nhà nước để cho vay với lãi suất thấp. Ta phải cứu DN, cứu việc làm vì đó cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách”.

Cụ thể, bảo lãnh các khoản vay cho các DN hàng không; nghiên cứu cơ chế cho Tổng công ty kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các DN hàng không theo hướng cho phép thực hiện quy chế đặc thù để đảm bảo tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của DN. Đồng thời, giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường năm 2021 đối với nhiên liệu bay; áp dụng mức giá tối thiểu

0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá và tiếp tục gia hạn thời gian giảm 50% giá cất/hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay đi/đến cho các chuyến bay nội địa. Ước tính nguồn lực khoảng 11.000 tỉ đồng đối với các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ sẽ hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các DN, tránh việc các DN phải tuyên bố phá sản, gây ra tác động bất ổn cho kinh tế - xã hội.

Những lo ngại của Bộ KH-ĐT về một “kết cục chết chóc” đối với các DN hàng không Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không sẽ “đốt” 77 tỉ USD tiền mặt trong nửa cuối năm 2020 (gần 13 tỉ USD/tháng hoặc 300.000 USD mỗi phút), bất chấp việc khai thác lại đang được khởi động. Du lịch hàng không phục hồi chậm sẽ khiến ngành này tiếp tục tốn một số tiền mặt lớn trung bình từ 5 - 6 tỉ USD mỗi tháng vào năm 2021. Tại Việt Nam, các hãng hàng không đã mất doanh thu khoảng 4 tỉ USD, trong đó Vietnam Airlines là 2 tỉ USD, còn lại là các hãng hàng không khác.

Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines (VNA), thông tin tổng dòng tiền thâm hụt tính đến hết quý 3 của VNA đã lên đến hơn 11.600 tỉ đồng, bao gồm cả các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán. Dự kiến cả năm, tổng thâm hụt dòng tiền khoảng 14.500 - 15.000 tỉ đồng. Hiện nay, dư địa để tiết giảm chi phí đầu vào cũng như tăng doanh thu đều đã đến ngưỡng do VNA đã thực hiện tất cả các giải pháp quản trị doanh thu có thể. Mặc dù thị trường nội địa đang dần khôi phục nhưng doanh thu bình quân của DN này vẫn giảm 50% bởi các hãng hàng không đều đang thực hiện chủ trương kích cầu du lịch trong nước, đổ tải ồ ạt vào thị trường nội địa khi chưa bay được quốc tế.

Rót vốn, tái đầu tư vào VNA

Trước bờ vực phá sản, Hãng hàng không quốc gia VNA đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn nhà nước chiếm tới 86%) cho vay quy mô tối thiểu 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là

3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ. Hãng cũng kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao SCIC/DN nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỉ đồng.

Một số ý kiến cho rằng đề xuất Chính phủ “bơm” thanh khoản cho VNA là giải cứu DN nhà nước, dẫn đến bất bình đẳng đối với khối DN tư nhân. Song, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng: Trong điều kiện bình thường, DN để xảy ra thua lỗ do lỗi quản lý, do chủ sở hữu thì nhà nước không bỏ ngân sách là đúng. Nhưng đây là trường hợp khách quan, bất khả kháng, tác động trên toàn thế giới thì không thể cứng nhắc làm theo quy định, quy trình thông thường mà phải giải quyết và xét đến tính hiệu quả, hợp lý của vấn đề.

Ông Cung phân tích: Nhìn theo kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý khủng hoảng và cứu trợ hàng không có thể thấy, Chính phủ có 2 vai trò chính, bao gồm tư cách quản lý nhà nước và tư cách chủ sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông trong DN. Với vai trò thứ nhất, Chính phủ thực hiện những chính sách kinh tế, trong đó tập trung bảo toàn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội như tăng cường trợ cấp, miễn trừ nhiều loại thuế phí, điều tiết lãi suất… tạo điều kiện tối đa cho DN. Còn trong vai trò chủ sở hữu và là nhà đầu tư, góp vốn tại DN, chủ sở hữu có thể cho vay, bảo lãnh cho vay, hoặc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nắm quyền điều hành nhằm tránh DN phá sản. Đây cũng là điều mà chính phủ nhiều nước như Đức, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha, Singapore… đã áp dụng.

“Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam mới thực hiện được vai trò quản lý nhà nước thông qua tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và một chính sách chung hỗ trợ DN, chưa thực hiện được vai trò của chủ sở hữu khi vốn nhà nước chiếm tới 86%. Nói cho đúng, Chính phủ không phải “giải cứu” VNA mà là giải quyết vấn đề nhằm giúp VNA tiếp tục tồn tại và phát triển, duy trì tài sản DN”, vị này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng ngành hàng không nói chung và VNA hoàn toàn có khả năng phục hồi tốt. Bản thân VNA cũng tăng trưởng tốt trong những năm qua. Nhà nước hiện nay như một nhà đầu tư, rót vốn vào DN và với triển vọng ngành hàng không, nhà nước sẽ có lãi sau 3 - 5 năm như cách mà chính phủ Mỹ đã làm khi cứu 3 ngân hàng, thu về khoản lãi 30 tỉ USD sau 3 năm đầu tư.

Theo thanh niên