Theo các chuyên gia dinh dưỡng, óc lợn rất giàu dinh dưỡng và các khoáng chất phổ biến như canxi, phốt pho, sắt… hàm lượng không hề thua kém so với thịt lợn. 

Theo nghiên cứu, cứ 100g óc lợn có tới 2500mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày. Nếu ăn óc lợn theo số lượng này sẽ dễ gây xơ vữa động mạch ở người lớn. Vì vậy thực chất đấy không phải là món ăn bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng.

Nhiều người có quan niệm rằng "ăn gì bổ nấy" nên thường chọn món óc lợn với hy vọng bổ não. Nhưng cũng chính vì trong óc lợn chứa quá nhiều cholesterol nên ăn nhiều sẽ bị cholesterol trong máu cao, đây là một trong những nguyên nhân gây béo phì, tăng huyết áp. Những người bị đau đầu nếu ăn nhiều óc lợn rất có thể cơn đau đầu càng tăng.

Ăn óc lợn thế nào cho đúng cách?

Ảnh minh họa

Mặc dù thành phần trong óc lợn có dưỡng chất, nhưng khi ăn cần lưu ý một số điều sau:

- Tuyệt đối không ăn khi cơ thể đang có dấu hiệu sốt, vì khi ăn vào dễ phát phong, sinh nhiệt.

- Tốt nhất là chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm, không nên cho nước vào khi nấu, bởi nấu quá nhiều nước hoặc chín quá kỹ sẽ làm giảm một lượng lớn Phospholipid có trong óc lợn tan trong nước.

- Nên kết hợp với những gia vị như gừng, lá gừng hoặc rau răm để khử mùi tanh.

- Mỗi tuần chỉ ăn từ 1 – 2 lần, mỗi lần khoảng 30 – 50 gam/bữa. Không ăn liên tục hoặc ăn quá nhiều trong một lần. Nếu dùng quá nhiều dễ gây ra nhiều bệnh tim mạch hoặc béo phì.

Các chọn óc lợn an toàn

- Nên chọn óc lợn mà màng óc vẫn còn tươi không có vết nứt, óc không bị chảy ra ngoài. Các huyết mạch thanh quản trên màng óc trông rõ nét, không có vết máu, vết lốm đốm, óc có màu đỏ hồng. 

- Lấy tay sờ vào óc lợn có cảm giác không quá rắn, cũng không quá mềm, độ mềm rắn vừa tay thì nên mua.

- Mùi của óc lợn cũng là yếu tố không thể xem nhẹ, đặc biệt là vào mùa hè thời tiết nóng bức làm cho thực phẩm nhanh bị hỏng. Nếu bạn thấy mùi ôi nhất thiết không nên mua, chớ ham rẻ mà rước bệnh vào người.

M.H (Gia đình & Xã hội)
Theo giadinh.net