Cơ cấu tổ chức phát hành trái phiếu trong 9 tháng đầu năm 2020
Cơ cấu tổ chức phát hành trái phiếu trong 9 tháng đầu năm 2020

Như dự đoán, trước khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP chính thức hiệu lực từ 1.9.2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sơ cấp đã tăng tốc mạnh trong tháng 7 và 8. 

Theo SSI Reseach, lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phát hành tính riêng trong quý 3/2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng, tập trung vào tháng 7 và 8/2020, tương đương 44% tổng TPDN mà các doanh nghiệp BĐS phát hành trong 9 tháng đầu năm 2020. Một số doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý 3/2020 là: CTCP Đầu tư Quang Thuận (9.450 tỷ đồng, chia làm 89 đợt), Novaland (7.017 tỷ đồng, chia làm 21 đợt), Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc (6.450 tỷ đồng, chia làm 47 đợt), CTCP BĐS Mỹ (2.364 tỷ đồng, chia làm 51 đợt)… SSI cho biết Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phát hành 75 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 9. Sang tháng 10, doanh nghiệp này phát hành tiếp 80 triệu USD trái phiếu niêm yết trên sở GDCK Đài Bắc (Đài Loan).

Tính chung 9 tháng, 88 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 137,5 tỷ đồng trái phiếu, trong đó chỉ có 16 doanh nghiệp BĐS niêm yết phát hành 26,7 nghìn tỷ đồng, còn lại 110,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 80,6%) là do 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.

Doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu quốc tế trị giá lớn như Phú Mỹ Hưng trong thời điểm hiện nay có thể xem là hi hữu, cũng cho thấy lợi thế của các Liên doanh đầu tư có vốn ngoại trong quá trình thu xếp vốn để thu hút vốn từ thị trường bên ngoài.

Với khối ngân hàng, Vietinbank, BIDV, Seabank, ACB và TPbank phát hành hơn 36 nghìn tỷ trái phiếu có kỳ hạn hơn 5 năm để tăng vốn cấp 2 – cao hơn 5% tổng lượng phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 của cả năm 2019 và chiếm 37,7% tổng lượng trái phiếu ngân hàng phát hành 9 tháng 2020. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) của nhóm các NHTM áp dụng theo Basel II tại cuối tháng 8 là 11,67% - tăng so với mức 11,13% vào tháng 1/2020; trong đó nhóm NHTM nhà nước là 9,71%, nhóm các NHTMCP là 10,75%.

Thống kê 36.000 tỷ đồng huy động vốn của các nhà băng chưa bao gồm các đợt huy động lớn gần đây qua kênh trái phiếu của VPBank và HDBank. Trong đó, nếu như năm trước VPBank đã thành công trong huy động hợp vốn quốc tế 300 triệu USD thì năm nay HDBank không hề kém cạnh, phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá lớn với DEG của Ngân hàng Tái thiết Đức. Đồng thời, theo thông báo trên thị trường, tổ chức này đã mua cổ phiếu HDB của HDBank với thị giá cao hơn thị trường. Qua đó cho thấy, ngân hàng vẫn là khu vực mà định mức tín nhiệm được đánh giá cao trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và dễ huy động vốn lớn bằng trái phiếu hơn hẳn những tổ chức khác.

Cũng theo SSI, với sự hạ nhiệt của TPDN sơ cấp từ sau ngày 1/9, doanh nghiệp cần huy động vốn sẽ quay trở lại với kênh tín dụng. Hiện tín dụng 9 tháng 2020 chỉ tăng 6,09% so với cuối năm 2019. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10%, tức là có khoảng 150-320 nghìn tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020.  

Thực tế, với những quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các quy định về kinh doanh không có lỗ lũy kế, thời gian phát hành đợt kế tiếp phải “giãn cách” từ đợt phát hành trước hoàn tất và không quá gần. Các quy định về hồ sơ phát hành và công bố thông tin khắt khe hơn phát hành riêng lẻ, các bước thực hiện cũng tốn thời gian hơn khiến các tổ chức phải cân nhắc hơn khi phát hành.

Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể quay trở lại và khơi thông luồng vốn tín dụng được hay không vẫn là một câu hỏi. Bởi, trong khi lãi suất về thấp là sự thật, ngân hàng có chịu hạ chuẩn vay hay không hoặc sẽ hạ với những tổ chức nào, mức độ nào, lại là ẩn số.

LÊ MỸ
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp