Trái phiếu ngân hàng trở thành kênh đầu tư an toàn trong mùa dịch COVID-19  

Việc huy động vốn qua kênh trái phiếu đã được nhiều ngân hàng lên kế hoạch và thực hiện từ đầu năm đến nay với lãi suất khá hấp dẫn.

Tăng phát hành trái phiếu lãi suất tốt

Trong đó, một số ngân hàng trong nhóm "Big4" đang duy trì lãi suất tiết kiệm thấp nhưng cũng có chính sách hấp dẫn cho trái phiếu. Đơn cử, từ đầu năm tới nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã hoàn thành 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ở đợt 1, ngân hàng phát hành 1.500 trái phiếu kỳ hạn 8 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu cho một tổ chức trong nước, lãi suất gần 6,5%/năm. Ở đợt 2, phát hành 85 trái phiếu kỳ hạn 15 năm, mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng được phát hành cho một tổ chức trong nước, lãi suất 6,7%/năm thanh toán lãi hàng năm.

Các ngân hàng thương mại cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chỉ trong tháng 5, nhiều đợt phát hành trái phiếu hàng ngàn tỷ đồng đều thành công. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố đã phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu cho 2 công ty chứng khoán trong nước. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, được trả định kỳ 1 năm với mức lãi suất 4%/năm.

Hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng có 3 đợt phát hành trong tháng 5 với 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Hiện, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đang tiếp tục 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, lãi suất từ 3,8-4,1%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 3,8%/năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước.

Ưu điểm của trái phiếu ngân hàng, khách hàng không chỉ được nhận lãi suất tốt mà còn được hưởng nhiều quyền lợi khác như lợi ích kép khi trái phiếu tăng giá, khách hàng sở hữu trái phiếu ngân hàng có quyền chuyển nhượng, bán, cho tặng, thừa kế hoặc cầm cố vay vốn tại bất kỳ ngân hàng nào khác khi có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, trái phiếu của một số ngân hàng còn có thể dùng làm tài sản đảm bảo cho các món vay khác của chính chủ hay bảo lãnh cho bên thứ 3. Như vậy, rõ ràng tính linh hoạt của trái phiếu ngân hàng rất cao.

An toàn trước rủi ro tài chính

Sau lần phát hành trái phiếu gần đây, lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết, mục đích của các đợt huy động trái phiếu từ đầu năm tới nay là nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng và đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn vốn, bao gồm tổng tài sản hiện có, vốn điều lệ, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.

Trong khi đó, một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, nguồn vốn huy động từ trái phiếu sẽ được dùng để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm tăng cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Nhìn nhận chung về trái phiếu ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát hành trái phiếu giúp ngân hàng chủ động về nguồn vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn. Loại trái phiếu đem lại tỷ lệ an toàn vốn cao nhất cho ngân hàng là trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm và trái phiếu chuyển đổi. Loại trái phiếu này được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng.

Theo bản tin thị trường của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, từ tháng 5 đến nay, trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18,485 tỷ đồng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4,950 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 tháng đầu quý II/2021, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33,674 tỷ đồng.

Nhu cầu phát hành thêm trái phiếu ngân hàng để người dân và ngân hàng cùng hưởng lợi vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới. Bởi, theo báo cáo phân tích của VietinBank cho biết, nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm nay sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số CAR để đáp ứng chuẩn của Basel 2.

Hiện có một số ý kiến cho rằng, số lượng phát hành nhiều nhưng lãi suất trái phiếu ngân hàng đang thấp hơn so với trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Nhiều chuyên gia đánh giá, so với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản dù lãi suất cao gấp 3-4 lần nhưng sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được việc sử dụng tiền của những nhà phát hành trái phiếu này.

Cùng chung quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các loại trái phiếu lãi suất cao bởi tỷ lệ sinh lời càng lớn sẽ càng nhiều rủi ro, cần "chọn mặt gửi vàng," tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp, tính thanh khoản của sản phẩm, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào, đến khi nhà phát hành không có khả năng trả nợ thì việc đòi lại tiền sẽ rất khó khăn.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Thời báo ngân hàng