Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, xu hướng giảm lãi suất huy động đã chững lại trong tháng 6. Trong tháng, chỉ có ba ngân hàng là LPBank, BacABank và VPBank điều chỉnh giảm nhẹ từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn.

Tính đến cuối tháng 6, lãi suất huy động 12 tháng trung bình của khối ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,17 điểm phần trăm so với đầu năm, còn 4,87%/năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn giữ ổn định ở mức 4,7%/năm.

Việc duy trì lãi suất đầu vào thấp tạo điều kiện để lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân các khoản mới đã giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái, còn 6,38%/năm.

Tuy lãi suất huy động có dấu hiệu ổn định, MBS cho rằng mức hiện tại vẫn chưa phải đáy và còn khả năng giảm thêm trong quý 3/2025. Cơ sở đánh giá là tăng trưởng tín dụng mạnh kể từ tháng 4 nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn giữ xu hướng giảm, cho thấy thanh khoản hệ thống đang ổn định. MBS nhận định tình trạng thiếu thanh khoản cuối quý 2 chỉ mang tính mùa vụ.

Tuy nhiên, bước sang quý 4, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trở lại khi cầu tín dụng gia tăng vào dịp cuối năm. Tính đến cuối quý 2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,3% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Dựa trên các yếu tố này, MBS dự báo lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 4,7%/năm trong suốt năm 2025.

Chứng khoán KB (KBSV) cũng đồng quan điểm khi cho rằng đà tăng trưởng tín dụng mạnh đang tạo áp lực lên thanh khoản ngân hàng. Dù hệ thống được hỗ trợ qua việc tăng tiền gửi kho bạc tại các ngân hàng quốc doanh (đạt 423 nghìn tỷ đồng tính đến tháng 5/2025) và các nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ NHNN, KBSV lưu ý khả năng căng thẳng thanh khoản vẫn có thể xảy ra vào những thời điểm cao điểm cuối năm.

Vì vậy, KBSV không loại trừ khả năng lãi suất huy động sẽ nhích lên từ quý 4/2025.

LH