Trên mạng xã hội của mình, ông Trump đe dọa sẽ không gia hạn các mức thuế sau ngày 1/8 tới đây (Ảnh chụp màn hình)
Trên nền tảng mạng xã hội cá nhân, ông Trump khẳng định sẽ không gia hạn các mức thuế theo quốc gia dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Ông nhấn mạnh: “Các mức thuế sẽ có hiệu lực đúng hạn, không có thay đổi nào, toàn bộ số thuế sẽ được thu kể từ ngày 1/8.”
Trước đó, có đồn đoán ông Trump có thể nới lỏng thời hạn. Tuy nhiên, vào đầu tuần, ông đã gửi thư thông báo các mức thuế mới đến các đối tác thương mại, dù sắc lệnh đi kèm lại tạm lùi hiệu lực thêm ba tuần. Sự mâu thuẫn này khiến nhiều bên nghi ngờ về tính nhất quán trong hành động của Nhà Trắng.
Áp thuế 50% với đồng, có thể tới 200% với thuốc
Trong cuộc họp đầu tuần được truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Trump công bố sẽ áp mức thuế 50% với hàng hóa đồng nhập khẩu – một động thái khiến giá hợp đồng tương lai kim loại này bật tăng mạnh nhất kể từ năm 1988.
Đặc biệt, ông Trump cũng tuyên bố khả năng đánh thuế tới 200% với dược phẩm nhập khẩu nếu các công ty dược không chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ trong vòng 12–18 tháng tới. “Chúng tôi sẽ cho họ thời gian điều chỉnh, nhưng nếu tiếp tục nhập khẩu thuốc, họ sẽ bị đánh thuế cực cao,” ông nói thêm.
Sau tuyên bố này, chỉ số cổ phiếu ngành dược trong S&P 500 quay đầu giảm. Các tập đoàn lớn như Pfizer, Eli Lilly và Merck đều mất giá trị trên thị trường.
Hiện nay, các mặt hàng đồng, dược phẩm và cả chất bán dẫn đều đang trong diện điều tra theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962 – một cơ chế cho phép áp thuế vì lý do an ninh quốc gia.
Gia tăng áp lực lên Ấn Độ, EU và BRICS
Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ cộng thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Ấn Độ – bất chấp những phát biểu gần đây rằng hai nước sắp đạt được một thỏa thuận thương mại. Lý do được đưa ra là Ấn Độ hiện là thành viên chính thức của khối BRICS. “Bất kỳ quốc gia nào thuộc BRICS đều sẽ bị cộng thêm 10% thuế,” ông nói.
Đối với EU, dù hai bên đang tiến hành đàm phán, ông Trump cảnh báo sẽ công bố mức thuế đơn phương trong vòng 48 giờ tới, vì không hài lòng với chính sách thuế kỹ thuật số và các án phạt của châu Âu đối với Apple, Google và Meta.
Từ khi tái khởi động chính sách thuế từ tháng 4/2025, ông Trump liên tục điều chỉnh mức và thời hạn áp dụng. Ban đầu, mức thuế đề xuất lên tới 25–40% cho hơn 50 quốc gia, sau đó được hạ tạm thời xuống 10% trong 90 ngày để tạo điều kiện đàm phán.
Cho đến nay, Mỹ mới chỉ đạt được một số thỏa thuận sơ bộ với vài quốc gia, và một cam kết “đình chiến thuế quan” chưa có chi tiết rõ ràng với Trung Quốc.
Chính sách thuế của ông Trump đang tạo hiệu ứng mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Thuế quan được dùng như công cụ gây sức ép nhằm buộc các tập đoàn tái định vị chuỗi cung ứng về Mỹ. Nhà đầu tư hiện lo ngại rủi ro chính sách từ Washington, khiến chỉ số S&P 500 dao động, lợi suất trái phiếu dài hạn giảm.
“Chỉ cần một lá thư là đủ để tạo ra một thỏa thuận,” ông Trump nói, cho thấy ông xem các văn bản thông báo thuế như công cụ đàm phán chiến lược hơn là động thái thuần túy thương mại.
Dù nhiều mức thuế vẫn đang chờ kết quả điều tra chính thức, khả năng Mỹ áp thuế 200% lên dược phẩm và kim loại đã khiến các ngành này rơi vào trạng thái căng thẳng, làm gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
KL