Ngày 24/7, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo trên nền tảng X rằng Pháp sẽ công nhận nhà nước Palestine vào tháng 9 tới. Tuyên bố này gây bất ngờ dù đã có nhiều đồn đoán trước đó.
Nếu kế hoạch diễn ra đúng như dự kiến, Pháp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 và thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận nhà nước Palestine. Động thái này tuy không hoàn toàn bất ngờ với giới quan sát, nhưng thời điểm và cách thức công bố khiến dư luận sửng sốt.
Sự lựa chọn quyết liệt của ông Macron và phản ứng từ Mỹ
Theo nhận định từ CNN, quyết định này cho thấy Tổng thống Macron tin rằng đã đến lúc cần hành động dứt khoát.
Kể từ cuối tháng 5, hơn một nghìn người ở Gaza đã thiệt mạng vì đói và thiếu lương thực, nhiều người – trong đó có trẻ em – chết vì suy kiệt. Hình ảnh những con người gầy gò, vật vờ gợi nhắc đến những thời kỳ tăm tối của thế kỷ 20, gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế.
CNN cho rằng bước đi của ông Macron là liều lĩnh nhưng có thể mở đường cho những quốc gia khác làm theo. Một quan chức cấp cao của Pháp chia sẻ với CNN rằng họ đã liên lạc với nhiều đối tác và tin rằng Pháp sẽ không đơn độc trong việc công nhận nhà nước Palestine vào tháng 9.
Giờ đây, dư luận đang dồn sự chú ý về phía Anh và có thể là cả Đức. Trong khi đó, Mỹ – đồng minh thân cận của Israel – đã nhanh chóng lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Ngoại trưởng Marco Rubio khẳng định Mỹ “cực lực phản đối” quyết định của ông Macron. Trên nền tảng X, ông viết: “Đây là một bước đi liều lĩnh phục vụ cho tuyên truyền của Hamas và cản trở tiến trình hòa bình. Nó là cú tát vào mặt những nạn nhân trong vụ tấn công ngày 7/10.”
Phá vỡ thế giằng co – nỗ lực của Pháp
CNN cho rằng tuyên bố đơn phương này phản ánh phần nào sự sốt ruột của ông Macron trong việc phá vỡ thế bế tắc.
Vốn là người đề cao hành động tập thể và các liên minh quốc tế, Tổng thống Pháp thường tìm kiếm giải pháp chung với các đối tác. Một tháng trước, Paris đã cùng Ả Rập Saudi tổ chức hội nghị tại Riyadh nhằm chuẩn bị cơ sở cho việc công nhận nhà nước Palestine. Tuy nhiên, xung đột giữa Israel và Iran nổ ra ngày 13/6 đã phá vỡ nỗ lực này.
Giới phân tích kỳ vọng Pháp và Saudi Arabia sẽ tiếp tục vận động các đồng minh khác công nhận Palestine, như một tín hiệu rõ ràng gửi đến Israel và Mỹ rằng giải pháp hai nhà nước là con đường cần theo đuổi.
Dù đối mặt nhiều trở ngại, ông Macron có thể tạo nên đột phá vào tháng 9 nếu có đủ sự ủng hộ quốc tế. Để làm được điều đó, ông phải sử dụng toàn bộ năng lực ngoại giao của Pháp và thuyết phục các đối tác vẫn còn do dự.
"Mục tiêu là tạo áp lực để các nước khác hành động," một quan chức Pháp chia sẻ với CNN. Và theo nhiều đánh giá, quyết định của ông Macron đang tạo ra sức nặng thực sự.
Bối cảnh quốc tế và vai trò của Pháp
Trong suốt nhiều thập kỷ, các nước châu Âu vẫn do dự trong việc chính thức công nhận nhà nước Palestine. Những yếu tố như mối quan hệ chặt chẽ với Israel, sự ngờ vực đối với chính quyền Hamas ở Gaza, và sự yếu kém của chính quyền Palestine tại Bờ Tây khiến các phản ứng quốc tế thường chỉ dừng lại ở mức độ lên án nhẹ.
Giờ đây, Pháp đang có bước đi vượt qua rào cản vô hình đó.
Là một quốc gia vốn có quan điểm đồng cảm với người Palestine, quyết định công nhận nhà nước Palestine không gây quá nhiều tranh cãi nội bộ tại Pháp. Dù từng ủng hộ Israel trong giai đoạn đầu sau vụ tấn công ngày 7/10, ông Macron đã thay đổi lập trường, thể hiện sự chỉ trích ngày càng rõ ràng đối với Thủ tướng Netanyahu và cách Israel tiến hành chiến dịch quân sự.
Tổng thống Macron cũng lo ngại nguy cơ xung đột Israel – Palestine lan sang nước Pháp, nơi có cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo lớn nhất châu Âu. Trong khi số người thiệt mạng tại Gaza không ngừng gia tăng, chính phủ Pháp đã ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Israel, tăng viện trợ nhân đạo, và liên tục kêu gọi lệnh ngừng bắn, bảo vệ dân thường cũng như đảm bảo quyền tiếp cận của các nhà báo.
Cánh cửa cuối cùng cho hy vọng
Bức ảnh những người Palestine xếp hàng chờ nhận viện trợ ở Jabalya, Bắc Gaza – được truyền thông đăng tải rộng rãi – đang khơi dậy sự đồng cảm sâu sắc.
Điện Élysée có lẽ đang hy vọng vào một làn sóng lan tỏa trong cộng đồng phương Tây – một “hiệu ứng domino” về việc công nhận Palestine. Trong hoàn cảnh người dân Gaza gần như không thể tiếp cận các nguồn hỗ trợ thiết yếu, động thái của Pháp có thể được xem là một trong những nỗ lực cuối cùng để mang lại chút ánh sáng hy vọng.
Philippe Lazzarini – người đứng đầu UNRWA, Cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên Hợp Quốc – mô tả tình cảnh người dân ở Gaza là “những xác sống biết đi”. Theo báo cáo y tế từ khu vực này, toàn bộ 2,1 triệu cư dân Gaza đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực; khoảng 900.000 trẻ em bị đói và 70.000 trong số đó đã có dấu hiệu suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
TT