Theo Tân Hoa Xã, siêu dự án này tọa lạc ở rìa phía đông Cao nguyên Tây Tạng, tại hạ lưu sông Yarlung Zangbo – nơi dòng sông đổ dốc hơn 2.000 mét trong phạm vi 50 km, tạo ra tiềm năng thủy điện khổng lồ. Con đập sẽ bao gồm năm nhà máy thủy điện bậc thang, với tổng sản lượng điện dự kiến đạt 300 tỷ kilowatt giờ mỗi năm, tương đương tổng mức tiêu thụ điện của Vương quốc Anh trong cả năm qua.
Ngay sau khi thông tin khởi công được công bố, thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Một loạt cổ phiếu trong ngành xây dựng, vật liệu và kỹ thuật đồng loạt tăng giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/7. Cổ phiếu của Công ty Xây dựng và Kỹ thuật CSI Trung Quốc tăng 4%, đạt đỉnh trong bảy tháng. Cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng Điện Trung Quốc và Arcplus Group PLC đều tăng kịch trần 10%.
Trong khi đó, Công ty Thiết bị Thông minh Đường hầm Hunan Wuxin – nhà cung cấp thiết bị xây dựng hầm – ghi nhận mức tăng phi mã tới 30%. Cổ phiếu của Geokang Technologies Co Ltd, chuyên sản xuất thiết bị giám sát thông minh, cũng tăng mạnh. Các doanh nghiệp liên quan đến vật liệu như Xizang Tianlu Co Ltd (sản xuất xi măng) và Công ty Thuốc nổ Tây Tạng GaoZheng đều tăng kịch trần 10%.
Theo Huatai Securities, dự án sẽ kéo theo nhu cầu lớn đối với các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và thuốc nổ dân dụng. “Xét về đầu tư, các dự án thủy điện trưởng thành mang lại cổ tức tương tự như trái phiếu,” chuyên gia Wang Zhuo từ Shanghai Zhuozhu Investment Management nhận định, đồng thời cảnh báo về khả năng tăng định giá quá nóng khi giới đầu tư đổ xô đầu cơ cổ phiếu liên quan.
Kích thích đầu tư, tăng trưởng và thị trường trái phiếu
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh dự án không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức. Ông khẳng định cần đảm bảo bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái tại khu vực Tây Tạng.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh trong ngày 21/7. Hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm – loại được giao dịch nhiều nhất – đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, khi nhà đầu tư coi đây là tín hiệu mở rộng đầu tư công và kích thích tài khóa.
Dự án được giao cho Tập đoàn Yajiang Trung Quốc – một doanh nghiệp nhà nước mới thành lập – đảm nhiệm. Đây được coi là một phần trong chiến lược đầu tư công quy mô lớn nhằm duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh các động lực truyền thống như bất động sản và xuất khẩu có dấu hiệu chững lại.
Theo báo cáo của Citi, nếu dự án được triển khai trong vòng 10 năm, riêng phần đầu tư có thể đóng góp trung bình 120 tỷ nhân dân tệ (khoảng 16,7 tỷ USD) mỗi năm vào GDP. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá trị thực tế có thể còn cao hơn đáng kể, chưa kể đến tác động lan tỏa đến việc làm, công nghệ và năng lượng sạch.
Dù chưa có con số chính thức về số lượng việc làm mà dự án có thể tạo ra, truyền thông nhà nước dẫn ví dụ từ đập Tam Hiệp – công trình từng cần gần hai thập kỷ để hoàn thành – đã tạo ra gần một triệu việc làm trong thời gian xây dựng.
Siêu đập thủy điện mới không chỉ là dự án năng lượng lớn nhất thế giới, mà còn được coi là biểu tượng cho quyết tâm phục hồi kinh tế và khẳng định vị thế công nghệ – xây dựng của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
HT