EU muốn xây dựng mặt trận chung trước sức ép từ Washington, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên loạt mặt hàng từ châu Âu. Các quốc gia như Canada và Nhật Bản đang được EU liên hệ để phối hợp hành động.

Theo Bloomberg, các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ đang gặp nhiều bế tắc, đặc biệt xoay quanh mức thuế với ô tô và hàng nông sản. Trong khi đó, EU đang tạm hoãn phản ứng thương mại đến hết tháng 7, tạo cơ hội đối thoại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU đã chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả, với danh sách hàng hóa trị giá 21 tỷ euro và một danh sách dự phòng lên tới 72 tỷ euro, bao gồm cả biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Dù vậy, bà cho biết chưa tính đến việc kích hoạt “Cơ chế chống cưỡng ép” (ACI) – công cụ thương mại mạnh nhất của EU – vì chưa cần thiết.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi chuẩn bị các biện pháp đối phó đáng tin cậy, kể cả kích hoạt ACI nếu đàm phán thất bại. Thủ tướng Đức Friedrich Merz cảnh báo mức thuế 30% sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất khẩu Đức, nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết nội khối và đối thoại hiệu quả với Washington.


Đàm phán EU - Mỹ đối mặt nhiều thách thức

Theo Goldman Sachs, nếu Mỹ thực thi toàn bộ gói thuế dự kiến, mức thuế suất hiệu dụng với EU có thể tăng 26 điểm phần trăm, khiến GDP khu vực đồng euro giảm 1,2% đến cuối 2026.

Giới phân tích nhận định chiến lược thuế quan của ông Trump có thể chỉ là đòn bẩy đàm phán. Goldman Sachs dự báo một thỏa thuận giới hạn mức thuế ở 10% cho đa số mặt hàng, 25% cho thép, nhôm và ô tô là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.

Ông Trump đã gửi thư mời đàm phán đến EU, đồng thời cảnh báo mức thuế 30% sẽ được áp dụng nếu không có thỏa thuận mới từ tháng sau. Điều này khiến các nỗ lực đạt được thỏa thuận tạm thời của EU rơi vào thế khó, trong bối cảnh các nước khác như Mexico cũng bị cảnh báo tương tự.

EU hiện đề xuất mức thuế trần 10% cho hàng nông sản. Một số giải pháp như giảm thuế để đổi lấy đầu tư vào Mỹ bị bác bỏ do lo ngại làn sóng chuyển sản xuất. Thay vào đó, đàm phán đang tập trung vào thuế ô tô và các ngành chiến lược.

Bloomberg cho biết hai bên đang tiến tới một thỏa thuận sơ bộ, trong đó phần lớn hàng xuất khẩu EU chịu thuế 10%, với một số lĩnh vực như hàng không và thiết bị y tế được miễn.

Ngoài ra, EU đề nghị Mỹ giảm thuế đối với rượu vang, rượu mạnh và nới lỏng hạn ngạch thép, nhôm. Mỹ đang đưa ra mức thuế 17% với nông sản, cùng hàng loạt biện pháp thuế ngành, gồm cả ô tô (25%), kim loại (50%), và các mặt hàng như dược phẩm, chất bán dẫn, đồng.

Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận, EU vẫn có thể không được miễn trừ hoàn toàn, nhưng khối đang nỗ lực đàm phán để được ưu tiên trong các lĩnh vực trọng yếu.

Minh Đăng