Theo dữ liệu từ The World in Maps, tại nhiều khu vực trên thế giới – đặc biệt là Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ – mức tiêu thụ trà vượt trội so với cà phê (tính theo số cốc/năm). Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bên cạnh truyền thống uống trà lâu đời, sự hiện diện của trà trong mọi tầng lớp và hình thức tiêu dùng – từ vỉa hè đến quán cà phê hiện đại – khiến trà trở thành biểu tượng văn hóa phổ biến trong đời sống người Việt. Những ly trà đá, trà “chờ” trong quán cà phê, trà sữa từ bình dân đến cao cấp... đều cho thấy trà là một phần không thể thiếu trong thói quen sinh hoạt.

Làn sóng yêu thích trà đậm vị và trà đặc sản càng thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi nhiều thương hiệu Việt Nam đã thành công vang dội.

Phê La là ví dụ tiêu biểu. Từ một cửa hàng mang đi tại Hà Nội năm 2021, thương hiệu này nhanh chóng mở rộng với 31 cửa hàng trên cả nước. Định vị phân khúc cao cấp, đồ uống tại Phê La có giá từ 45.000 đồng/ly. Năm 2023, doanh thu của hãng đạt 300 tỷ đồng – vượt qua nhiều tên tuổi ngoại như Gong Cha hay Ding Tea.

Phúc Long – thương hiệu trà sữa Việt ra đời từ năm 1968 tại Bảo Lộc – hiện có hơn 180 cửa hàng trên toàn quốc. Khởi đầu từ sản phẩm trà nguyên liệu, Phúc Long nay là cái tên lớn trong ngành F&B với hệ thống phủ rộng khắp.

LaSiMi cũng là thương hiệu đang lên, tập trung phân khúc bình dân hơn (giá từ 35.000–45.000 đồng/ly), hiện đã mở hàng chục cửa hàng tại 10 tỉnh thành chỉ sau hai năm.

Mới nhất là La Boong – ra mắt tháng 7/2023 – đã mở hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc với chiến lược “bình dân hóa trà ô long cao cấp”, bắt nhịp thị hiếu trà hoa quả nhẹ nhàng của giới trẻ. Giá sản phẩm dao động từ 20.000 đến 42.000 đồng.

Ngoài các thương hiệu nội địa, thị trường trà Việt Nam còn chứng kiến sự góp mặt của các “ông lớn” nước ngoài như Gong Cha, Ding Tea, Koi Thé... Gần đây nhất là sự xuất hiện của Chagee – thương hiệu Trung Quốc có hơn 4.500 cửa hàng toàn cầu – và Mixue, chuỗi trà – kem giá rẻ đã đạt 1.000 điểm bán tại Việt Nam chỉ sau 5 năm.

Trước đà phát triển mạnh mẽ này, nhiều chuỗi cà phê buộc phải điều chỉnh thực đơn, đưa trà vào như một phần tất yếu trong chiến lược mở rộng sản phẩm.

Tại Trung Quốc, Luckin Coffee – chuỗi cà phê lớn nhất nước này – đã tung ra các dòng trà như trà sữa, trà hoa nhài, mở đầu chiến dịch “Cà phê sáng – Trà chiều”. Chỉ trong tuần đầu tiên, hơn 11 triệu ly trà đã được bán, tạo nguồn thu đáng kể cho thương hiệu này.

Xu hướng chuyển dịch sang trà không chỉ là sự thay đổi trong lựa chọn đồ uống, mà đang tái định hình thị trường. Trà giờ đây không chỉ là thức uống truyền thống, mà còn là biểu tượng mới cho lối sống hiện đại – từ bản sắc vùng miền đến phong cách tiêu dùng năng động.

LK