Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, từ đầu năm 2024, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, NHNN đã xây dựng đề án Trung tâm Anti-Fraud Hub. Đến giữa năm 2025, hệ thống này đã hoàn thiện khung dữ liệu chung, tích hợp thông tin từ các ngân hàng thương mại, cơ quan điều tra và các nguồn dữ liệu uy tín khác. Trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) và công nghệ phân tích dữ liệu lớn được ứng dụng nhằm phát hiện các mẫu hành vi bất thường và xây dựng danh sách cảnh báo tập trung.
Theo đó, tính đến giữa năm 2025, kho dữ liệu nền tảng đã ghi nhận hơn 350.000 tài khoản nghi ngờ gian lận. Ngoài dữ liệu được xác minh từ cơ quan công an, các ngân hàng cũng chủ động báo cáo các tài khoản bị khách hàng phản ánh là có dấu hiệu bất thường hoặc lừa đảo. Dữ liệu này được chia sẻ qua cơ chế định danh tập trung giữa các ngân hàng, làm cơ sở cho tính năng cảnh báo tự động trong ứng dụng chuyển tiền.
Về mặt kỹ thuật, quá trình tích hợp hệ thống cảnh báo với các ngân hàng được đánh giá là không quá phức tạp, nhờ vào kiến trúc mở và khả năng chia sẻ dữ liệu định danh đồng bộ. Hệ thống sẽ tự động đối chiếu số tài khoản đích của mỗi giao dịch với danh sách nghi vấn từ Trung tâm Anti-Fraud Hub, và hiển thị thông báo cảnh báo tương ứng nếu phát hiện trùng khớp. Nội dung cảnh báo có thể khác nhau tùy mức độ rủi ro và loại hình gian lận mà tài khoản đích từng bị xác định.
Thực tế triển khai cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ tháng 4/2025, Ngân hàng BIDV là đơn vị đầu tiên thí điểm hệ thống này. Chỉ sau hơn một tháng, toàn hệ thống BIDV đã phát hiện hơn 40.000 giao dịch đáng ngờ với tổng giá trị khoảng 160 tỷ đồng. Trong đó, trên 100 tỷ đồng đã được khách hàng chủ động hủy giao dịch sau khi nhận cảnh báo từ hệ thống.
Sau BIDV, Vietcombank cũng đã triển khai từ ngày 30/6, tiếp đến là VietinBank từ ngày 4/7 trên ứng dụng VietinBank iPay. Ngân hàng Quân đội (MB) cũng chính thức đưa vào vận hành từ ngày 14/7 sau giai đoạn thử nghiệm thành công. Các ngân hàng khác như ACB, Techcombank, Sacombank, MSB... đang gấp rút hoàn thiện hệ thống, dự kiến triển khai rộng rãi trong quý III và IV năm 2025.
Việc ứng dụng công nghệ cảnh báo tài khoản nghi vấn không chỉ giúp người dùng có thêm công cụ tự bảo vệ, mà còn thể hiện sự chủ động của các ngân hàng thương mại trong việc phòng ngừa rủi ro tài chính, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi. Khi hoàn tất kết nối đồng bộ, Anti-Fraud Hub được kỳ vọng sẽ trở thành “lá chắn số” cho hệ thống tài chính Việt Nam, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào chuyển tiền trực tuyến trong thời đại số.
DH