Theo nền tảng Booking.com, Hà Nội là điểm đến nội địa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất dịp nghỉ lễ 2/9 (từ 29/8 đến 3/9), vươn từ vị trí thứ 7 vào năm 2024 lên vị trí dẫn đầu năm nay. Sức hút được ghi nhận ở mọi nhóm khách: gia đình, nhóm bạn, cặp đôi và khách đi một mình.
Tái hiện những nét đẹp văn hóa Thăng Long tại tour đêm Trấn Vũ.
Ngay từ đầu tháng 7, Sở Du lịch Hà Nội đã giới thiệu khoảng 20 sản phẩm du lịch đêm, trong đó nổi bật là chương trình “Tiếng chuông Trấn Vũ” tại Đền Quán Thánh, kết hợp ánh sáng – âm thanh và nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó là các tuyến du lịch di sản mới như “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” và “Con đường đạo học”, kết nối di tích, làng nghề, đền chùa và yếu tố giáo dục truyền thống với trải nghiệm hiện đại.
Du lịch cộng đồng cũng được đẩy mạnh tại xã Mỹ Đức và du lịch nông nghiệp ở xã Tích Lộc (Ba Vì), cho phép du khách trải nghiệm đời sống bản địa, tham quan làng thuốc Nam của người Dao, lao động nông thôn và sinh hoạt văn hóa dân gian. Ngoài ra, các tuyến đường sông kết nối Hà Nội – Hưng Yên – Bắc Ninh – Hải Phòng cũng được phát triển nhằm kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao trải nghiệm.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho biết thành phố đang đẩy mạnh sản phẩm du lịch sáng tạo, chú trọng trải nghiệm và cá nhân hóa, đặc biệt là nhóm sản phẩm di sản – du lịch đêm – cộng đồng. Ngoài ra, Hà Nội cũng phối hợp với Vietnam Airlines để mở rộng đường bay quốc tế và quảng bá hình ảnh thành phố ra thế giới trong giai đoạn 2025–2030.
Một điểm nổi bật trong chiến lược phát triển sản phẩm năm nay là sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp. Thay vì phát triển một chiều, Hà Nội tổ chức các phiên đối thoại ngành, điều phối sản phẩm và kết nối startup với nhà đầu tư. Nhờ đó, thị trường du lịch trở nên sôi động và đa dạng. Dịp Quốc khánh này, nhiều doanh nghiệp lữ hành tung ra các combo du lịch kết hợp: city tour – ẩm thực – nghệ thuật đêm – trải nghiệm vùng ven, vừa tối ưu chi phí quảng bá, vừa nâng cao chất lượng phục vụ.
Các công ty lữ hành đánh giá cao sức hút của tour di sản ban đêm, city tour gắn với lễ hội đồ uống tại công viên Thống Nhất (29/8–2/9), tour xe đạp phố cổ và trải nghiệm làng quê. Một số doanh nghiệp đã hợp tác với địa phương để phát triển thêm các combo kết hợp city tour – ẩm thực – tour cộng đồng ở Tích Lộc hoặc Mỹ Đức nhằm quảng bá văn hóa và tạo sinh kế cho người dân.
Doanh nghiệp kết hợp với địa phương xây dựng gói sản phẩm kết hợp giữa city tour – tour ẩm thực – tour cộng đồng.
Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch đường sông cũng chào sân sản phẩm mới như combo du thuyền city-hopping Hà Nội – Hạ Long – Lan Hạ, hướng tới phân khúc khách thích trải nghiệm chủ động, tiết kiệm. Các gói tour ngủ đêm trên du thuyền, nhà hàng buffet và khách sạn đi kèm sẽ được triển khai đúng dịp 2/9, kỳ vọng thu hút lượng khách tăng 15–20% so với năm trước.
Không kém cạnh, các startup và doanh nghiệp nhỏ cũng đưa ra nhiều ý tưởng mới như tour xe đạp ngoại ô, workshop làm gốm Bát Tràng kết hợp nghệ thuật truyền thống, tour ảnh selfie phố cổ về đêm, triển lãm trải nghiệm nghệ thuật, chuỗi sự kiện như phố đi bộ sáng tạo Trúc Bạch, Đường Lâm và không gian nghệ thuật Đoài Creative.
Với định hướng phát triển sản phẩm kết hợp di sản – nông nghiệp – cộng đồng – du lịch đường sông và lễ hội ẩm thực, Hà Nội không chỉ kỳ vọng tăng lượng khách trong dịp lễ mà còn hướng đến mục tiêu dài hạn: xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, đa dạng và chất lượng. Qua đó, thành phố vừa giữ vững bản sắc Thăng Long, vừa khẳng định hình ảnh một đô thị hiện đại, thân thiện và giàu trải nghiệm.
VC