Mới đây, Đài Truyền hình Bắc Kinh công bố đoạn ghi hình thử nghiệm lâm sàng công nghệ BCI với năm bệnh nhân được cấy chip Beinao-1. Đây là thiết bị có kích thước bằng đồng xu, hoạt động không dây, có khả năng giải mã tín hiệu thần kinh từ não bộ thành văn bản, giọng nói hoặc chuyển động.

Dẫn đầu nghiên cứu là Giáo sư Luo Minmin – Giám đốc Viện Nghiên cứu Não bộ Trung Quốc (CIBR), người từng lấy bằng Tiến sĩ thần kinh học tại Mỹ. Ông cho biết nhu cầu từ bệnh nhân tham gia thử nghiệm đang tăng nhanh đến mức quá tải. Trong một trường hợp điển hình, một bệnh nhân mắc xơ cứng teo cơ một bên (ALS) ở độ tuổi ngoài 60, vốn hoàn toàn không thể giao tiếp, sau khi được cấy Beinao-1 đã có thể nói được những câu đơn giản.

Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người với Beinao-1 bắt đầu từ tháng 3/2025. Đến tháng 5, tổng số bệnh nhân đã được cấy lên đến 5 người – ngang bằng với số ca mà Neuralink của Elon Musk từng thực hiện tại Mỹ. Trong khi đó, công ty Synchron – một đối thủ khác tại Mỹ được hậu thuẫn bởi Jeff Bezos và Bill Gates – đã cấy thiết bị cho hơn 10 bệnh nhân tại Mỹ và Australia.

Beinao-1 được phát triển bởi NeuCyber NeuroTech, một startup do CIBR ươm tạo từ năm 2023. Dự án nằm trong chiến lược lớn hơn nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thần kinh – vốn được coi là chìa khóa tiếp theo sau AI và lượng tử.

Cạnh tranh công nghệ não: Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Mỹ

Dù đi sau Mỹ gần một thập kỷ – nước này khởi động “Sáng kiến Não bộ” từ năm 2013 với ngân sách hơn 3 tỷ USD – Trung Quốc hiện đang tăng tốc mạnh mẽ. Từ năm 2016, công nghệ não đã chính thức được đưa vào các Kế hoạch 5 năm quốc gia. Theo Lily Lin, cựu trợ lý nghiên cứu tại một viện khoa học thần kinh hàng đầu Trung Quốc, tốc độ phát triển nhanh chóng đến từ cam kết đầu tư lớn và ngân sách tăng liên tục mỗi năm.

GS. Luo cũng thừa nhận Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong cả công nghệ BCI xâm lấn và không xâm lấn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc so sánh Beinao-1 và Neuralink là khập khiễng vì “giống như so sánh táo với cam” – khác nhau về vị trí cấy ghép, loại tín hiệu thu nhận và cách truyền dữ liệu.

Beinao-1 ưu tiên việc ghi nhận tín hiệu từ vùng não rộng hơn – giúp tạo ra dữ liệu tổng thể tốt, dù độ chính xác từng neuron không cao bằng thiết bị của Neuralink. Ngược lại, công nghệ của Elon Musk tập trung vào kiểm soát chính xác tín hiệu thần kinh tại từng điểm cụ thể.

Công nghệ não – Cuộc đua công nghệ và quyền lực

Theo báo cáo của Precedence Research, thị trường công nghệ não toàn cầu có thể đạt trị giá 12,4 tỷ USD vào năm 2034, so với chỉ 2,6 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, vượt xa giá trị kinh tế, đây còn là cuộc đua chiến lược giữa các siêu cường về khả năng kiểm soát công nghệ lõi trong tương lai.

GS. Luo nhấn mạnh: “Nếu Beinao-1 chứng minh được tính an toàn và hiệu quả, chúng tôi kỳ vọng nó sẽ được sử dụng lâm sàng trên phạm vi toàn cầu.”

Khi công nghệ đọc và giải mã tín hiệu não ngày càng tiến bộ, các thiết bị như Beinao-1 không chỉ mở ra hy vọng cho người bệnh mà còn trở thành mắt xích quan trọng trong việc hiện thực hóa kết nối giữa con người và máy móc – một viễn cảnh mà cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn đứng sau.

AH