Thực phẩm nóng - lạnh theo y học cổ truyền

Theo TS. BS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - đa số mọi người đánh giá thực phẩm nóng - lạnh dựa theo kinh nghiệm bản thân và mang tính truyền miệng. Thật ra, khái niệm thực phẩm nóng - lạnh hay cơ địa hàn - nhiệt xuất phát từ y học cổ truyền Trung Quốc và được phổ biến rộng rãi tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Cụ thể, y học cổ truyền chia thực phẩm thành tứ vị là hàn - lương - ôn - nhiệt, tương ứng lạnh - mát - ấm - nóng. Trong đó, thực phẩm hàn - nhiệt là khái nhiệm phổ biến hơn cả. Những thực phẩm có tính nhiệt được cho là các loại thực phẩm ăn vào tạo cảm giác nóng và khô như các loại thịt đỏ, các loại gia vị (gừng, tỏi, ớt), các loại trái cây có vị ngọt (đào, nhãn, vải). Trong khi đó, những thực phẩm có tính hàn lại là các thực phẩm tạo cảm giác mát và cung cấp độ ẩm cho cơ thể, ví dụ như rau xanh, hải sản, đồ tanh (ếch, ốc).

Nhưng y học cổ truyền không khẳng định việc ăn thực phẩm nhiệt sẽ gây nóng trong người. Bởi bên cạnh thực phẩm, cơ thể con người cũng được phân thành nhiều nhóm thể chất khác nhau, phổ biến là thể nhiệt (nóng) và thể hàn (lạnh). Người có cơ địa nóng thường bị phồng rộp lưỡi, bốc hỏa và hay cảm thấy khát nước; trong khi người có cơ địa hàn thường có lưỡi nhợt nhạt, dễ bị lạnh và tiêu chảy.

Cũng theo y học cổ truyền thì những người có cơ địa nóng nên ăn thực phẩm có tính hàn, người có cơ địa hàn nên ăn nhiều thực phẩm có tính nhiệt. Thực phẩm có tính ôn thì sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Do đó, cùng một loại thực phẩm, nhưng có người ăn vào cảm thấy nóng trong, người khác lại thấy bình thường, thậm chí là tốt. Nói cách khách, không có loại thực phẩm nào tốt hơn mà cần phải biết thể chất mình thuộc hàn hay nhiệt để bổ sung đúng loại thực phẩm phù hợp, mang lại sự cân bằng, điều hòa cho cơ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định, mọi thứ đều mang tính tương đối. Tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm để đảm bảo có đầy đủ cả thực phẩm hàn - nhiệt trong chế độ ăn và không bị thiếu hụt dinh dưỡng.

"Quan niệm thực phẩm tính nhiệt không tốt cho sức khỏe là một cách hiểu chưa đúng, nhưng lại được truyền miệng bấy lâu nay trong dân gian. Bạn không cần phải kiêng khem, ngồi suy nghĩ, lo sợ thực phẩm này hay thực phẩm kia có nóng hay không; mà quan trọng là phải thực hiện ăn uống đa dạng, phong phú các loại thực phẩm và có sự cân bằng trong mỗi bữa ăn", TS.BS Sơn chia sẻ.

Nguyên nhân gây nóng theo y học hiện đại

Y học hiện đại không ghi nhận nóng như một loại bệnh và cũng không có quan điểm hay định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, đây là tình trạng được miêu tả ở nhiều người gặp phải và có thể kéo theo các vấn đề sức khỏe như mụn nhọt, mẩn ngứa, nhiệt miệng, dễ cáu gắt…

Ths. Bs. Đào Thị Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, theo y học hiện đại, không có thực phẩm nào là nóng hay mát, do đó, khó có thể nói thực phẩm là nguyên nhân gây nóng trong. Thay vào đó, y học hiện đại ghi nhận các yếu tố sau có thể là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng như mụn nhọt, nhiệt miệng, phát ban…:

Sử dụng các chất kích thích

Các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia hoặc thực phẩm chứa caffeine… làm tăng nhịp tim, tăng tốc độ chuyển hóa của cơ thể và cần sử dụng nhiều nước. Do đó, người sử dụng nhiều chất kích thích thường sẽ có cảm giác nóng trong.

Sử dụng thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng

Theo bác sĩ Ngọc, đây là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây nóng trong. Các loại thuốc như thuốc chống dị ứng, thuốc huyết áp, thuốc chống ngạt mũi, thuốc chống trầm cảm, kháng sinh, thuốc giảm đau, các loại hormone… dễ gây nóng khi sử dụng với liều cao, trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các tác dụng phụ này sẽ khác nhau tùy từng người.

Một số bệnh lý

Các tình trạng như nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, mất ngủ, rối loạn thần kinh cũng có thể là nguyên nhân gây nóng trong. Cường giáp cũng có thể là nguyên nhân gây nóng trong bởi khi đó, cơ thể sẽ sản xuất ra quá nhiều hormone thyroxine, làm tăng tốc quá trình trao đổi chất, dẫn đến tăng thân nhiệt và nóng trong.

Chế độ ăn không hợp lý

Bất cứ sự mất cân bằng nào trong chế độ ăn uống như ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, ăn ít chất xơ (rau củ, trái cây), ăn quá nhiều tinh bột, ăn quá nhiều muối… đều có thể dẫn đến các biểu hiện nóng trong.

Như vậy, có thể nói, thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nóng trong mà là do thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, khiến cơ thể thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Từ đó, quá trình trao đổi chất của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến các biểu hiện nóng trong như mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa, táo bón, khó tiêu…

"Sau khi ăn các thực phẩm chiên rán như khoai tây chiên, gà rán, mì ăn liền… nhiều người cảm thấy nóng trong và đổ lỗi cho những thực phẩm này là nguyên nhân. Nhưng thực ra, đó là do họ vừa có một bữa ăn chưa cân bằng về dinh dưỡng: nạp vào một lượng chất béo, tinh bột (khoai tây chiên, mì ăn liền), đạm (gà rán) nhưng lại thiếu chất xơ do không có rau xanh, trái cây trong bữa ăn và không uống đủ nước", bác sĩ Ngọc phân tích.

Trường Thịnh
Theo Dân trí