Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, với triển vọng nâng hạng, các nhóm ngành trên thị trường cũng sẽ được hưởng lợi, đứng đầu là ngành ngân hàng. Đây là ngành xương sống của nền kinh tế và cũng là ngành chiếm vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán với khoảng 35% vốn hóa trên sàn HOSE.
BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành các mục tiêu của năm, ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế hiện nay và khả năng hoàn thành mục tiêu đã đề ra?
Ông Phan Dũng Khánh , Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank: Theo tôi, những số liệu vĩ mô được công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng.
Dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có thể tăng trưởng tốt hơn mức dự báo trước đó. Vào giai đoạn hồi đầu năm hoặc giữa năm 2024, chỉ số PMI nhiều tháng đứng ở trên cái mức 50 điểm, cho thấy rằng là nền kinh tế đang được mở rộng nhiều hơn. Tưu chung lại, chúng ta có khả năng đạt rất là cao đạt được những cái mục tiêu đề ra.
Còn đi sâu vào các các ngành nghề trong nền kinh tế hiện nay đang hoạt động kinh doanh như thế nào dưới số liệu của 3 quý đầu năm và dự báo sẽ như thế nào trong quý 4?
Ông Phan Dũng Khánh: Theo quan sát của tôi, các ngành nghề so với năm ngoái có mức độ tăng trưởng tích cực hơn. Ví dụ như ngành công nghệ, khi xu hướng công nghệ cũng như trí tuệ nhân tạo, hay chất bán dẫn đang bùng nổ ở trên thế giới.
Tuy nhiên, những ngành nghề kém ứng dụng về công nghệ lại có xu hướng yếu hơn. Chẳng hạn ngành bất động sản đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong những năm trước và năm nay, giá trị của nhiều bất động sản đang có xu hướng tăng lên, mức thanh khoản cũng cao hơn trước, nhưng cũng chưa quay trở về thời hoàng kim được và nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn đang vật lộn cho trong những khó khăn.
Còn về nhóm tài chính ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng đã tăng trưởng rất khá trong nửa đầu năm 2024. Chỉ số VN-Index vào đầu năm 2024 còn ở mức thấp, tuy nhiên, nhờ cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng mà tăng trưởng trong nửa đầu năm của Index đã tăng một mạch cho đến mốc 1.300.
Năm nay, triển vọng nâng hạng thị trường đang đến rất gần và đây được đánh giá là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với thị trường chứng khoán mà còn có ý nghĩa với một quốc gia và dự kiến sẽ có nhiều nhóm ngành sẽ được hưởng lợi? Theo ông, những nhóm ngành nào sẽ là nhóm ngành tiềm năng để nhà đầu tư đón đầu?
Ông Phan Dũng Khánh: Hiện chúng ta đã đứng rất gần với khả năng nâng hạng. Nhà đầu tư nước ngoài cho đến thời điểm này đã bán ròng khoảng hơn 80.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024. Mặc dù, tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tầm 10%, mức độ tác động không nhiều nhưng nó làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư khác. Chính vì vậy, tôi kỳ vọng triển vọng nâng hạng trong thời gian sắp tới sẽ giúp thay đổi dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Về các nhóm ngành được hưởng lợi khi thị trường được nâng hạng, có nhóm công nghệ, nhất là về AI - trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Ngoài ngành công nghệ còn một số ngành như là năng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, ngành tài chính ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ vẫn là một ngành vô cùng quan trọng bởi vì nó vẫn là một ngành xương sống, một nền tảng của nền kinh tế. Chính vì vậy, dù trong bất kỳ cái hoàn cảnh nào, nhóm này cũng là nhóm vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc nâng hạng thì theo tôi, chúng ta nên bổ sung thêm những hàng hóa chất lượng giúp gia tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng thì cũng sẽ phải hỗ trợ những ngành nghề và các doanh nghiệp khác. Thực tế nền kinh tế cũng vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, vậy thì ngành ngân hàng sẽ phải làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế?
Ông Phan Dũng Khánh: Ngành NH vốn là xương sống của nền kinh tế và là trụ cột trên TTCK khi vốn hóa ngành này chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 35% trên HOSE).
Ngành ngân hàng cũng là nơi cung cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong thời gian qua Việt Nam phải gánh chịu một số cơn bão cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nên ngành ngân hàng đã có những giải pháp hỗ trợ mạnh hơn như khoanh nợ, giảm lãi suất hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ và cải thiện năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, cần phát triển các dịch vụ tài chính số - AI, giải pháp này rất quan trọng để có thể tiết kiệm chi phí, tăng cường hiệu quả hoạt động.
Các ngân hàng cũng có thể hỗ trợ tư vấn tài chính và đào tạo quản lý cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch kinh doanh bền vững đồng thời ứng phó tốt với các rủi ro trong kinh doanh.
Đồng thời, tăng cường đầu tư vào phát triển bền vững và xanh, sạch, các ngân hàng nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, sạch thông qua việc cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi.
Như vậy không chỉ giúp phát triển kinh tế, phát triển bền vững mà còn thân thiện với môi trường. Các ngân hàng cũng cần tăng cường quản lý rủi ro, để tăng khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Dương Ngọc