Đựng nước trong chai nhựa để tủ lạnh uống cho mát được nhiều gia đình áp dụng vào mùa hè. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thói quen này có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, lây nhiễm chéo , ngộ độc thực phẩm, thôi nhiễm nhựa...

Chuyên gia đưa ra 3 giải pháp ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh do uống nước trong chai nhựa để tủ lạnh.

Đó chính là uống nước đựng trong chai nhựa để ở ngăn mát tủ lạnh. Vào mùa hè nóng bức, nước lạnh luôn là thứ khiến bạn cảm thấy sảng khoái, dịu cơn khát. Tủ lạnh của nhiều người không có chế độ lấy nước lạnh. Những chiếc chai nhựa bỏ đi lúc này trở thành dụng cụ lý tưởng để đựng nước đun sôi và cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, thói quen uống nước để trong tủ lạnh kiểu này không thực sự tốt cho sức khỏe.

Thông thường, bạn có thể sử dụng nước đựng vào những chai nhựa, đem làm mát trong tủ lạnh và uống dần. Đây là loại nước trung tính, tức là không có độ chua, độ mặn... như nước mơ, nước sấu... nên an toàn hơn nhiều.

Điều đáng nói là những chiếc chai đựng nước. Những loại chai nước lọc, nước ngọt... sau khi dùng xong chỉ nên tái sử dụng 1-2 lần nhưng nhiều người nhận thấy chai còn sạch, mới nên tiếp tục sử dụng. Không thiếu những gia đình sử dụng chai nhựa đựng nước lọc trong tủ lạnh lưu cữu hàng tháng.

"Thói quen uống nước để trong tủ lạnh kiểu này thực sự không tốt cho sức khỏe. Việc dùng đi dùng lại chai nhựa, mở nắp chai nhiều lần... sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, người dùng có thể bị ngộ độc, gặp vấn đề đường tiêu hóa", chuyên gia nhận định.

Nhất là khi chai nhựa đựng nước uống lại đặt cạnh những món đồ ăn trong tủ lạnh. Để cạnh những món đồ sống, đồ chín lẫn lộn thì nguy cơ lây nhiễm chéo càng cao.

Chưa kể, việc dùng đi dùng lại chai nhựa đựng nước uống trong tủ lạnh còn có nguy cơ khiến cơ thể nạp nhựa vào người. Khả năng thôi nhiễm nhựa ra nước lọc tất nhiên rất kém so với những loại nước có độ chua, mặn rõ ràng nhưng không phải không có nguy cơ.

Dù cho bạn có rửa sạch chai nhựa nhưng vi khuẩn vẫn tích tụ bên ngoài vỏ chai theo thời gian. Nhiều người cho rằng rửa hàng ngày sẽ không sao. Tuy nhiên, thực tế, việc rửa và làm khô nhiều lần còn khiến cấu trúc nhựa bị phá vỡ, giải phóng các hóa chất độc hại vào nước uống.

Đặc biệt, nhiều chai nhựa có chứa các hợp chất hóa học nguy hiểm được gọi là BPA và PET. Những chất này khi nạp vào cơ thể có thể gây bệnh tim mạch, tiểu đường.

Vậy, muốn uống nước mát để tủ lạnh trong mùa hè, chúng ta nên làm gì?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra một số giải pháp dưới đây:

1. Chỉ đựng nước uống trong chai nhựa 1-2 lần

Chai nhựa có thể an toàn cho sức khỏe nếu đảm bảo chai đựng sạch sẽ, dùng tái chế 1-2 lần. Tuyệt đối không dùng lưu cữu từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác để tránh nhiễm khuẩn chéo, thôi nhiễm nhựa, sản sinh chất gây ung thư hoặc gây bệnh mãn tính.

2. Sử dụng bình đựng thủy tinh

Đồ nhựa nói chung tiện lợi nhưng cũng có những mặt trái đi kèm. Nếu không thể đảm bảo dùng đồ nhựa đúng cách, tốt nhất bạn nên mua bình thủy tinh để đựng nước làm mát trong tủ lạnh.

Thủy tinh là chất liệu an toàn hơn cả, lại có thời gian bảo hành kéo dài. Tuy nhiên cần chú ý sử dụng loại bình có nắp đậy thật kín, tránh lây nhiễm vi khuẩn trong không gian tủ lạnh.

3. Sử dụng tủ có tích hợp tính năng lấy nước bên ngoài

Dùng những loại tủ lạnh kiểu này, bạn yên tâm không phải lách cách đun nước rồi đợi nguội, sau đó đổ nước vào chai nhựa và tiếp tục chờ làm mát nữa. Bất cứ lúc nào muốn uống nước lạnh trong mùa nắng nóng, bạn cũng có thể sử dụng.

Tuấn Minh
Theo Phụ nữ Việt Nam