Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thịt lợn là một trong những thực phẩm phổ biến nhất tại Việt Nam, là nguồn cung cấp protein chất lượng cao cùng nhiều vitamin, sắt, kẽm, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức, ngày nào cũng ăn mà không thay đổi sang các thực phẩm khác có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khoẻ.
Nếu ngày nào cũng ăn thịt lợn, không ăn các thực phẩm khác có thể dẫn đến thiếu cân bằng dinh dưỡng, giảm ngon miệng. Việc chỉ tập trung ăn thịt lợn mà không bổ sung đủ rau xanh, trái cây hay các loại đạm khác (cá, gà, đậu phụ) sẽ gây thiếu vitamin và khoáng chất, hệ tiêu hóa trở nên kém hoạt động.
Thịt lợn chứa nhiều calo, đặc biệt khi chế biến cùng dầu mỡ, ăn nhiều dễ dẫn đến tăng cân, béo phì. Một số phần của thịt lợn như ba chỉ, chân giò, nội tạng chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng mức cholesterol xấu (LDL), từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Do đó, không nên chỉ ăn một loại thực phẩm mà cần đa dạng, cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo.
Chất bột đường cần bổ sung 50-60%, nên lựa chọn từ các thực phẩm rau củ quả, ngoài ra là bánh mì nâu, gạo lứt, khoai với số lượng được khuyến cáo.
Nhóm chất đạm từ thực vật và động vật được khuyến nghị 13-20% tổng năng lượng, nên sử dụng từ thủy hải sản, tôm cua cá, sau đó là gà, vịt, ngan, lợn, bò...
Chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ (mỡ thịt, mỡ cá) và chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu (dầu có trong các loại hạt, loại quả).
Bạn cũng cần phải sử dụng thực phẩm một cách cân đối và biết lựa chọn phần thịt phù hợp. Đa dạng hóa chế độ ăn, kết hợp với việc bổ sung nhiều loại thực phẩm khác sẽ giúp duy trì sức khỏe tốt và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Như Loan