Phục hồi chông chênh

Năm 2020 là một năm không mấy vui vẻ của các DN ngành bia khi hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng kép của Nghị định 100 và dịch Covid-19. Sau quý 1 sụt giảm hầu hết các chỉ số, đến cuối quý 2/2020, các DN bia đã nỗ lực cải thiện kết quả kinh doanh dù vẫn còn chông chênh.

Tại Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco- Mã CK: BHN), mặc dù doanh thu sụt giảm nhưng nhờ tiết kiệm chi phí và có lãi liên doanh liên kết nên Habeco báo lãi 246 tỷ đồng trong quý 2. Riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 2.118 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ, sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 568 tỷ đồng giảm 14,4% so với quý 2/2019. Do quý 1 chịu ảnh hưởng kép bởi Nghị định 100 và dịch Covid 19 khiến Habeco lỗ gần 100 tỷ đồng, nhưng nhờ lãi quý 2 mà lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 Habeco lãi ròng gần 152 tỷ đồng, giảm 55% so với nửa đầu năm 2019, EPS cũng giảm mạnh từ 1.448 đồng xuống còn 655 đồng.

 

 

 Dây chuyền sản xuất bia Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Kém lạc quan hơn, trong quý II/2020, Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Mã chứng khoán: SAB – sàn HOSE) tiếp tục ghi nhận mức giảm doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 21,5% và 20,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Sabeco đạt là 12.043,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.932,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 34,6% và giảm 31,5% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Với Heineken, DN đứng thứ hai về thị phần ở Việt Nam sau Sabeco cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tổng lượng bia tiêu thụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đưa doanh thu thuần cả khu vực giảm hơn 10% so với cùng kỳ.

Đường dài gian nan

Về triển vọng lợi nhuận 2020 của các DN ngành bia, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, nhu cầu đối với bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, quý 2 là quý xấu nhất do giãn cách xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4, và do các cơ sở kinh doanh đồ uống bị yêu cầu đóng cửa trong thời gian dài hơn các cơ sở kinh doanh khác (giữa tháng 3 đến đầu tháng 6). Các yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh đồ uống như vậy tiếp tục được ban hành tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trong đợt bùng phát dịch bệnh hiện tại.

Quý 2 là quý xấu nhất đối với lợi nhuận của Sabeco do DN này không tích cực đẩy mạnh kênh bán hàng và phân phối. Tuy nhiên, theo Sabeco mức tiêu thụ bia gần như đã phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19 vào tháng 6. Biên lợi nhuận cao hơn cũng được ghi nhận do nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty. Tương tự, hầu hết các công ty sản xuất bia niêm yết đều phục hồi dần trong quý 2.

Trong năm 2021, các chuyên gia phân tích cho rằng, ngành này có thể phục hồi 20% do sự phục hồi từ mức cơ sở thấp ước tính trong năm 2020. “Mặc dù vậy, chúng tôi không kỳ vọng mức tiêu thụ bia sẽ đạt mức trước khi có dịch Covid-19 trong năm 2021. Chúng tôi cho rằng mức tiêu thụ bia có thể mất vài năm để phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19 và trước khi ban hành Nghị định 100”- báo cáo của SSI đánh giá.

Các chiến lược đối phó với việc tiêu thụ sụt giảm mạnh cũng đã được các DN ngành này thực hiện. Lãnh đạo Habeco cho hay, Habeco sẽ tiếp tục định hướng vào sản phẩm bình dân và làm tốt công tác tiêu thụ bởi cũng xác định, do ảnh hưởng của dịch Covid nên thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Habeco sẽ lập các công ty thương mại ở khu vực miền Trung và miền Nam để thâm nhập và củng cố các thị trường này.

DN này cũng định hướng đẩy nhanh công tác thoái vốn tại các công ty thành viên hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo toàn và thu hồi vốn đầu tư, từ đó vừa có thêm nguồn vốn kinh doanh, vừa giúp cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả hơn.

Phía Heineken cũng cho ra mắt sản phẩm mới không cồn “Heineken 0 độ” tại Việt Nam sau khi Nghị định 100 có hiệu lực. Trong khi đó, Sabeco giới thiệu sản phẩm khác có tên là “Lạc Việt” phục vụ thị hiếu người Việt. “Chúng tôi nhận thấy mọi thứ đang trở lại bình thường. Sabeco sẽ phục hồi song hành với sự phục hồi của nền kinh tế"- người đứng đầu Sabeco cho biết tại đại hội cổ đông hồi cuối tháng 6/2020.

Theo kinh tế đô thị