Phát biểu tại diễn đàn, ông Victor Chu Lap-lik – Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Đầu tư First Eastern (Hồng Kông) – nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp hiện đang trì hoãn quyết định đầu tư do không thể dự đoán được mức giá đầu vào trong 3-4 năm tới, giữa bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ quá bất định.
Tình trạng bất ổn thương mại đã làm trầm trọng thêm xu hướng giảm đầu tư toàn cầu vốn đã hiện hữu từ năm ngoái. Báo cáo của UNCTAD công bố ngày 25/6 cho thấy, dòng vốn FDI toàn cầu năm 2024 chỉ đạt 1.500 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ – đánh dấu năm suy giảm thứ hai liên tiếp.
Ông Chu gọi đây là điều “đáng tiếc”, vì FDI không chỉ mang lại luồng vốn mà còn nâng cao chất lượng quản trị, thúc đẩy thương mại và đóng góp cho hòa bình toàn cầu.
Tại châu Âu, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Italia – ông Valentino Valentini – bày tỏ quan ngại sâu sắc khi thuế quan của Mỹ không còn mang tính điều tiết thương mại mà dường như đang trở thành công cụ tài chính nhằm bù đắp ngân sách thâm hụt. Ông cảnh báo chiến lược này đang tạo ra bất ổn địa chính trị mới, làm lung lay nền tảng của thương mại quốc tế.
Đặc biệt, ông Valentini cho rằng việc Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 50% lên toàn bộ hàng hóa từ EU sau ngày 9/7 là một chiến lược "kéo dài thời hạn để duy trì tâm lý bất an", nhưng không bền vững và khó mang lại hiệu quả thực sự.
Trung Quốc xoay trục chiến lược
Các chuyên gia tại Diễn đàn Davos mùa hè đồng thuận rằng chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đang làm trầm trọng thêm sự sụt giảm đầu tư toàn cầu. Ảnh: Xinhua
Về phía Trung Quốc, bà Liu Qian – nhà sáng lập Wusawa Advisory – nhận định Bắc Kinh đã chủ động chuẩn bị từ trước thông qua chiến lược “tuần hoàn kép”, nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, điều chính phủ Trung Quốc lo ngại hơn cả là suy yếu tiêu dùng nội địa, thể hiện qua thu nhập khả dụng thấp, thị trường lao động yếu và khủng hoảng kéo dài trong ngành bất động sản.
Niềm tin lung lay và rủi ro toàn cầu gia tăng
Chiến tranh thương mại không chỉ khiến các quyết định đầu tư bị đóng băng, mà còn bào mòn niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu – vốn được xây dựng dựa trên các nguyên tắc ổn định và minh bạch. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nền kinh tế đang phát triển rơi vào tình thế khó khăn, khi vừa đối mặt với chi phí đầu vào biến động, vừa bị kẹt giữa các cuộc trả đũa thương mại.
Sự lan rộng của xu hướng này đang đặt WTO và các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế vào thế bị động, đồng thời đẩy các quốc gia vào con đường chủ nghĩa bảo hộ.
Châu Á tìm đường đi mới
Trong bối cảnh đó, các nước châu Á đang nỗ lực điều chỉnh chiến lược phát triển – chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang tăng cường nhu cầu nội địa, thúc đẩy liên kết khu vực và ký kết các hiệp định thương mại không có sự hiện diện của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tiến trình này cần có sự phối hợp chính sách sâu rộng và bền bỉ, nếu không muốn rơi vào tình trạng chia rẽ, cạnh tranh không lành mạnh ngay trong nội bộ khu vực.
Những biến động do chính sách thuế quan của Mỹ đang để lại tác động tiêu cực sâu rộng lên bức tranh đầu tư và thương mại toàn cầu. Giới chuyên gia kêu gọi các bên liên quan cần sớm đối thoại xây dựng và đặt lại niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương, thay vì tiếp tục chạy theo các chính sách đơn phương gây bất ổn.
DT