Ngày 18/11, tại BHXH TP.Hà Nội, Thanh tra TP. Hà Nội công bố Quyết định thanh tra số 5466/QĐ-TTTP(P4) ngày 13/11/2020.
Ông Phạm Văn Giáp- Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 (Thanh tra TP. Hà Nội), Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành cho biết: Đoàn Thanh tra liên ngành sẽ chia làm 4 tổ công tác với sự tham gia của đại diện các ngành: Thanh tra Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động và BHXH Thành phố. Đoàn sẽ tiến hành thanh tra 75 DN nợ lớn, nợ kéo dài về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền hơn 80,217 tỷ đồng, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của 2.462 NLĐ, trong khoảng thời gian từ 1/1/2019 cho đến thời điểm thanh tra.
Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành yêu cầu các đơn vị được thanh tra báo cáo bằng văn bản các nội dung theo đề cương, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu lên quan đến việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ trong đơn vị. Đoàn Thanh tra, Tổ công tác sẽ trực tiếp thanh tra tại các đơn vị, thời gian làm làm việc từ 1- 2 ngày. Các đơn vị, DN bố trí làm việc với Tổ công tác gồm: Người SDLĐ (hoặc người được ủy quyền hợp pháp bằng văn bản), đại diện bộ phận nhân sự, đại diện BCH Công đoàn cơ sở (hoặc đại diện tập thể NLĐ), cán bộ chuyên trách về kế toán, tiền lương và người làm công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại đơn vị.
Căn cứ vào kế hoạch làm việc đã thông báo, Tổ công tác sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các hồ sơ, sổ sách, tài liệu, chứng từ có liên quan đến việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. “Trường hợp các đơn vị được thanh tra, kiểm tra chủ động, tự giác chấp hành nộp đầy đủ số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì Tổ trưởng Tổ công tác sẽ tiếp nhận hồ sơ, báo cáo trưởng đoàn thanh tra, xem xét, quyết định dừng thanh tra tại đơn vị”- ông Phạm Văn Giáp khẳng định.
Phát biểu trước đại diện các DN nợ BHXH tại buổi công bố Quyết định thanh tra, ông Nguyễn Đức Hòa- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội nhấn mạnh: “Năm 2020 là năm rất nhiều thách thức, khó khăn với DN, cũng như với Ngành BHXH Việt Nam trong công tác thu, thu nợ BHXH. Đến nay, số nợ BHXH trên toàn Thành phố chiếm khoảng 9,4% số phải thu. Vì vậy, chúng ta cần cùng nhau cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn vì quyền lợi của NLĐ. Bởi đơn vị, DN nợ BHXH là nợ NLĐ, chứ không phải nợ cơ quan BHXH. Các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ và đảm bảo công bằng giữa các đơn vị, DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.
Mặt khác, khi đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ cho NLĐ, thì DN cũng được giảm phần tài chính đóng thuế, vì đây là khoản chi phí hợp lý, không tính thuế của DN. Đáng tiếc, trong quá trình BHXH Hà Nội đối chiếu, rà soát dữ liệu do ngành Thuế cung cấp, tại nhiều đơn vị, DN đã phát hiện một số trường hợp có mã số thuế, nhưng chưa đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Một số đơn vị, DN chưa tích cực, tự giác chấp hành tuân thủ pháp luật, chưa làm tốt trách nhiệm với NLĐ, vin cớ vào khó khăn khách quan để chây ì nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
“Những năm qua, BHXH TP.Hà Nội luôn cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ DN, NLĐ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách TTHC để ngày càng thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời cho DN khi đăng ký tham gia, khi đóng nộp BHXH, BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT hay thanh toán các khoản trợ cấp BHXH... Vì vậy, BHXH TP.Hà Nội đề nghị các DN tiếp tục đồng hành, tuân thủ pháp luật, chăm lo quyền lợi NLĐ.
Về đợt thanh tra liên ngành này, tôi đề nghị các Tổ công tác tiến hành thanh tra đúng trình tự, quy trình, thủ tục. Những DN chủ động tự giác đóng nộp hết số nợ sẽ xem xét, dừng thanh tra; còn những đơn vị cố tình chây ì, nợ đọng, đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm, nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ và giữ vững ASXH trên địa bàn Thủ đô”- ông Nguyễn Đức Hòa nói.
PV
Theo VOV