Đây là giải pháp xác thực định danh người dùng qua ứng dụng di động, được chính các kỹ sư của VNG xây dựng trên nền tảng công nghệ nhận diện gương mặt và nhận diện kí tự quang học. Các tính năng chính của trueID là rút trích thông tin (OCR) từ giấy tờ tuỳ thân, nhận diện và so trùng khuôn mặt, và đặc biệt phát hiện gian lận định danh với độ chính xác cao.
4 lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn của VNG hiện nay vốn là Games, Zalo, thanh toán điện tử và điện toán đám mây. Vậy cơ duyên nào đã khiến VNG lấn sân sang lĩnh vực AI với sản phẩm trueID?
Thật ra cũng khá là tình cờ. Thời gian đầu chúng tôi tập trung phân tích dữ liệu và ứng dụng Machine Learning (học máy) cho tự động hóa trong việc vận hành các sản phẩm Games của VNG. Đến một ngày, phía ZaloPay bắt đầu có nhu cầu về việc định danh, xác thực người dùng trên ứng dụng tài chính trực tuyến của họ. Đây lại là một mảng ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) khác, liên quan Computer Vision (thị giác máy tính) và Deep Learning (học sâu) mà trong đội ngũ của chúng tôi vốn đang có các chuyên gia về lĩnh vực này. Tôi hỏi anh Phạm Thành Lâm, là một chuyên gia rất giỏi ở mảng này: "Chơi không?", và chúng tôi bắt đầu xây dựng trueID từ đó.
Trong khoảng 2 tháng, mẫu prototype đầu tiên đã được đưa vào sử dụng nhằm hỗ trợ nhóm chăm sóc khách hàng của ZaloPay – thay vì họ phải thủ công kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách thì với trueID, công việc này dựa hoàn toàn vào các mô hình AI với khả năng nhớ và năng suất làm việc rất cao trong khi tỷ lệ sai sót rất thấp.
Cụ thể, trueID giúp rút trích thông tin từ giấy tờ tùy thân và sau đó tiến hành so sánh, xác thực ảnh trên giấy tờ tùy thân với ảnh khách tự chụp tải lên, đồng thời thông qua chuỗi các bước kiểm tra dựa trên AI để kiểm soát chất lượng ảnh cũng như phát hiện các dấu hiệu gian lận giả mạo. Sản phầm ban đầu này đã giúp cho phòng chăm sóc khách hàng ZaloPay tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Và đâu là những cột mốc khiến ông nhớ nhất trong quá trình phát triển và vận hành trueID?
Cột mốc đầu tiên của chúng tôi là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng "nội bộ" trong tập đoàn là ZaloPay. Nhưng ngay tại thời điểm nhận thấy mình có đủ khả năng để phục vụ cho một ứng dụng hàng chục triệu người dùng như ZaloPay, thì chúng tôi bắt đầu suy nghĩ đến chuyện thử đưa công nghệ này ra thị trường bên ngoài.
Thị trường về eKYC là vô cùng lớn, đặc biệt là các ngân hàng, các công ty tài chính – nơi mà hàng nghìn giao dịch trực tuyến diễn ra mỗi ngày, và nhu cầu xây dựng ngân hàng số ngày càng gia tăng.
Tất nhiên mọi chuyện không hề dễ dàng. Lần đầu tiên chúng tôi "chào hàng" bên ngoài thì bị thất bại, vì một số ngân hàng đã chọn sẵn nhà cung cấp rồi, trong khi sản phẩm của mình quá non trẻ. Nhưng mọi người không bỏ cuộc. Đó là một tinh thần rất hay ở VNG.
Chúng tôi phân tích kỹ lại tình hình và nhận thấy nhu cầu phát hiện giả mạo trên giấy tờ tùy thân đặc biệt lớn với các ngân hàng. Cả đội đã gấp rút bổ sung tính năng mới này cho giải pháp và hoàn thiện nó chỉ trong vòng 1-2 tháng.
Ngoài ra, chủ trương của chúng tôi là phải làm cho toàn bộ quá trình eKYC này được thực hiện thật chính xác và trong thời gian nhanh nhất, nên đưa ra thiết kế xác thực đa tầng - ở tầng bên dưới thì AI thực hiện rất nhiều bước phân tích, các lưới lọc để đảm bảo rủi ro, nhưng ở tầng trên, đối với người dùng thì hầu như họ không nhận thấy độ trễ, vẫn có được trải nghiệm tốt.
Đây chính là điểm mạnh và khác biệt nhất của trueID so với các giải pháp khác đang được triển khai trên thị trường, và rất được các ngân hàng quan tâm. Thậm chí, từng có thời điểm tiếp cận một ngân hàng rất lớn và rất chặt chẽ về quản lý rủi ro, trueID phải cạnh tranh với 17 nhà cung cấp eKYC khác nữa, trong đó có cả sản phẩm của những công ty nước ngoài như Jumio, HyperVerge hay Trusting Social; nhưng sau 3 tháng ròng rã chứng minh độ ổn định của hệ thống, tính chính xác, hoàn thiện tài liệu, chạy thử thì cuối cùng bên ngân hàng đối tác đã lựa chọn mình. Đây chính là cột mốc đáng nhớ thứ hai của chúng tôi khi chứng minh được sản phẩm của mình ở hệ thống ngân hàng.
Hiện tại chúng tôi đã có gần 10 ngân hàng và tổ chức đang triển khai trueID. Riêng ngân hàng Bản Việt thì đã triển khai trueID được 3 - 4 tháng rồi. Khách hàng hoàn toàn có thể mở một tài khoản mới trên Bản Việt mà không cần trực tiếp ra ngân hàng.
Sau ngân hàng Bản Việt, định hướng hợp tác với các ngân hàng khác của trueID và VNG như thế nào, thưa ông?
Lĩnh vực ngân hàng, tài chính chính là điểm mà VNG muốn tập trung đột phá trong năm nay. Thực sự thì đây là một lĩnh vực rất phức tạp, đòi hỏi sự chặt chẽ, bảo mật cực kì cao, đổi lại, nó đem đến những lợi ích và tính ứng dụng rất cao cho ngân hàng. Chúng tôi xác định nếu mình thắng được trận địa "khó nhằn" nhất thì những trận địa khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Chúng tôi sẽ tiếp cận các ngân hàng có nhu cầu xây dựng ngân hàng số và mong muốn đổi mới, sáng tạo trước. Năm nay là năm đầu tiên trueID được triển khai cho các ngân hàng và cũng là giai đoạn chớm nở của eKYC thì cái quan trọng nhất là tập trung làm sản phẩm thật tốt, thật chắc chắn. Chúng tôi muốn đảm bảo trueID đem lại sự an toàn và thành công cho các sản phẩm và ứng dụng trực tuyến của các ngân hàng mà chúng tôi hỗ trợ. Do đó, việc tích hợp eKYC đi sâu vào từng ngóc ngách, đồng hành của các bộ phận khác nhau trong ngân hàng như phòng chuyển đổi số, phòng rủi ro, chăm sóc khách hàng, thẻ, v.v.. là cực kì quan trọng.
Hiện nay các ngân hàng khá đồng đều về chi nhánh vật lý cũng như các gói ưu đãi, hỗ trợ, nhưng điểm khác biệt chính là các trải nghiệm, các tính năng người dùng có thể thực hiện online bởi hầu như ai cũng sở hữu smartphone rồi. Ngân hàng số sẽ giúp ngân hàng có thêm nhiều khách hàng mới, hoặc triển khai nhiều dịch vụ, sản phẩm mới. Đó là lí do mà các ngân hàng nhỏ hiện nay đang đi rất nhanh bởi họ đang đổi mới nhanh hơn.
Vậy định hướng của bản thân trueID trong thời gian tới thì sao?
Việc định danh điện tử cho khách hàng mới chỉ là bước đầu tiên thôi. Thành công của sản phẩm sẽ phải đem lại sự tiện dụng và bảo mật xuyên suốt hành trình của người đó, tức là xây dựng một nền tảng dịnh danh khách hàng toàn diện cho ngân hàng. Có thể hiểu đơn giản là khi khách hàng mở tài khoản xong thì họ sẽ đăng nhập, thực hiện giao dịch, mua sắm, chuyển tiền, truy vấn thông tin thì tất cả đều có thể diễn ra mượt mà, thông suốt và an toàn dựa vào những thông tin ban đầu đã được xác thực.
Hiện nay, trueID có các tính năng tiên phong về phát hiện gian lận, giả mạo có thể nói là tốt nhất trên thị trường, nhưng chúng tôi hiểu rằng đây là một cuộc chiến mà mình phải cải tiến liên tục, phải nhanh chóng cập nhật các mô hình AI để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận mới. Một cơ chế chia sẻ tiêu chí đánh giá gian lận cũng đang được chúng tôi nghiên cứu triển khai, trước mắt đều nhận được sự ủng hộ lớn của các ngân hàng và tổ chức mà chúng tôi hợp tác.
Bên cạnh đó, trueID cũng đang nghiên cứu phát triển Voice OTP thay cho cách nhập mã OTP truyền thống. Máy sẽ nhận diện giọng nói của người dùng bên cạnh nhận diện khuôn mặt, tính bảo mật sẽ cao hơn rất nhiều. Ngoài ra thì chúng tôi cũng đang thử nghiệm OCR (rút trích dữ liệu) trên nhiều tài liệu số hóa, thay vì chỉ dừng lại ở OCR giấy tờ tùy thân.
Bạn thử tưởng tượng trước đây một nhân viên phải mất nhiều ngày để đọc và phân tích báo cáo tài chính thì nay đã có máy hỗ trợ, thời gian sẽ giảm thiểu chỉ còn tính bằng phút, giảm chi phí nhân công, đồng thời tăng hiệu quả xử lý hồ sơ hàng chục lần.
Hãy nói thêm một chút về trí tuệ nhân tạo. Ông đánh giá như thế nào về công nghệ AI tại VNG hiện nay?
TrueID không phải là sản phẩm AI duy nhất của VNG. Các sản phẩm như Zalo, Games của VNG đều có những bộ phận chuyên về AI để hỗ trợ, phân tích hành vi người dùng, đánh giá rủi ro,… Lợi thế của VNG là sở hữu những ứng dụng hàng trăm triệu người dùng nên hoàn toàn có thể tự chủ nghiên cứu, xây dựng và vận hành những sản phẩm AI. Thực sự thì ứng dụng AI trên thế giới rất rộng, nhưng với thị trường Việt Nam và khả năng của công ty hiện tại, chúng tôi tập trung trước hết là giải quyết các vấn đề lớn, có tính ứng dụng thực tiễn cao, nơi mà AI thực sự tạo ra được giá trị.
Khá nhiều chuyên gia nhận định rằng nút thắt của AI tại Việt Nam hiện nay chính là nguồn nhân lực. Bài toán này tại trueID và tại VNG thì sao?
Với kinh nghiệm xây dựng nhiều sản phẩm AI ứng dụng quy mô lớn ngoài thị trường, thì tâm niệm của tôi luôn luôn là nhìn vào khía cạnh Con người trước. Để xây những sản phẩm xuất sắc thì phải có một đội ngũ giỏi chuyên môn và đoàn kết, cùng chí hướng, rồi từ đó mới tính đến thị trường, doanh thu hay lợi nhuận.
Đội ngũ kỹ sư của trueID rất đa sắc màu, có khá nhiều bạn từ nước ngoài về và đã làm việc tại những công ty lớn ở Silicon Valley; cũng có nhiều PGS, Tiến sĩ phụ trách mảng nghiên cứu, và bên cạnh đó là quy tụ những bạn trẻ tốt nghiệp Top đầu chuyên ngành CNTT của Đại học Bách Khoa, Đại học Công Nghệ, Đại học Khoa học tự nhiên,… Điều mà tôi tự hào nhất là chúng tôi có sự cân bằng khá tốt giữa nền tảng học thuật với kinh nghiệm thực chiến, giữa "lớp già" và "lớp trẻ". Những thành viên "gạo cội" và những bạn đang làm việc trong nước thì có nền tảng kĩ thuật rất tốt, có sự am hiểu về thị trường; còn những bạn ở nước ngoài về lại bổ sung không chỉ kiến thức, kinh nghiệm mà còn là tư duy về sản phẩm, kĩ năng làm việc nhóm, liên lạc với khách hàng. Khi mình cân bằng được những điều đó, thì tôi tin là mình có thể làm được bất cứ thứ gì, và các lứa kĩ sư AI trẻ sẽ được rèn luyện và phát triển khả năng rất nhanh và toàn diện.
Trước sự hấp dẫn của việc làm tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, theo anh, làm sao có thể thu hút và giữ chân các kĩ sư Việt về nước đóng góp cho tổ chức?
Cái này tôi đúc rút từ chính kinh nghiệm của bản thân và rất muốn chia sẻ cho người khác.
Thực sự thì khi làm việc ở các công ty nước ngoài, họ đưa ra những bài toán rất rõ ràng, và nhiệm vụ của người kỹ sư là giải quyết bài toán đó, nhưng chỉ gói gọn trong đó thôi. Còn ở Việt Nam, hay như tôi ở VNG thì tôi thấy chính mình sẽ được chủ động trong việc tìm ra bài toán xoay quanh các vấn đề về kinh tế, xã hội hay nhiều lĩnh vực khác mà còn rất mở ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Từ đó mình học được rất nhiều và cũng có cơ hội tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với xã hội. Theo tôi thì đây là cơ hội mà không dễ gì có được khi làm ở nước ngoài hay làm cho các công ty nước ngoài.
VNG là công ty thuần Việt duy nhất mà tôi từng làm và lại là công ty tôi gắn bó lâu như vậy (gần 3 năm) bởi tôi nhận thấy sự tương đồng trong văn hóa doanh nghiệp (Kiến tạo Công nghệ và Phát triển Con người. Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn) với lý tưởng của chính mình.
Ở đây, tôi có những cơ hội để giải nhưng bài toán lớn, tạo ra ảnh hưởng rất lớn cho xã hội. Có một chia sẻ từ CEO Lê Hồng Minh mà tôi rất tâm đắc là ở đây mình được làm chủ từ công nghệ, sản phẩm cho đến kinh doanh. Chỉ cần mình chứng minh được khả năng thì mình sẽ ngay lập tức được hỗ trợ và khuyến khích rất nhiều. Chính anh Minh đã thách thức, và khuyến khích chúng tôi về việc đưa trueID lên thành sản phẩm "world-class" (đẳng cấp thế giới), đứng đầu Việt Nam, thậm chí vươn ra Đông Nam Á và thế giới. Có lẽ chính vì tinh thần đó mà VNG mới đủ dũng cảm để đưa ra những mục tiêu thật sự rất thách thức như "2332".
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tiến sĩ Ma Nam – Giám đốc sản phẩm trueID
Từng học Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Nam California (USC), ông Nam tham gia vào các Dự án nghiên cứu Dữ liệu lớn dưới sự tài trợ của DARPA – Cơ quan chỉ đạo các Dự án Quốc phòng tiên tiến Hoa Kỳ hay NSF – Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Sau khi hoàn thành Tiến sĩ, ông công tác tại 2 công ty ở thung lũng Silicon (Mỹ) đều liên quan tới khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Trước khi đầu quân về VNG, ông Nam làm việc tại Trusting Social - trụ sở tại Singapore và là một trong những người đầu tiên của công ty xây dựng nên các sản phẩm đánh giá rủi ro tín dụng người dùng.
Bài: An An - Thiết kế: Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ