Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 25-29/11/2024- Ảnh 1.

Kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn của Mỹ sẽ mở ra một giai đoạn mua sắm quan trọng, trong khi lạm phát đang là tâm điểm theo dõi ở Nhật Bản và Châu Âu.

Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý nhất trong tuần 25-29/11/2024:

1/ "TRUMP TRADES" TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC THỊ TRƯỜNG

"Trump trades" có khả năng sẽ tiếp tục dẫn dắt biến động trên các thị trường.

Bất kỳ ai có "mua tiền điện tử và USD, bán bất kỳ thứ gì của nước ngoài hoặc liên quan đến ‘xanh’" đều có lãi, mặc dù động lực từ "Trump trades" đã yếu đi.

Bitcoin đã tiến gần sát mốc 100.000 USD, tăng khoảng 50% so với đầu tháng 10/2024, khi các công cụ dự đoán đều cho thấy ông Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chỉ số Dollar index tăng 3,6%. Năng lượng sạch, một nỗi ám ảnh của Trump, là “kẻ thua cuộc” lớn nhất, với quỹ giao dịch năng lượng sạch iShares giảm gần 14% giá trị. Peso của Mexico đã giảm hơn 4% và cổ phiếu châu Âu giảm khoảng 3%.

Với việc ông Trump sẽ bổ nhiệm một vài người vào nội các và chỉ còn hơn 60 ngày nữa là đến lễ nhậm chức của ông, sẽ còn nhiều điều bất ngờ ở phía trước trên tất cả các thị trường.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 25-29/11/2024- Ảnh 2.

 Những thị trường biến động mạnh do "Trump trades"

2/ HỘI NGHỊ G7

Các bộ trưởng ngoại giao G7 sẽ họp vào tuần tới khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vượt qua cột mốc ảm đạm là 1.000 ngày chiến tranh và có nguy cơ leo thang nhanh chóng.

Cuộc xung đột đã kéo dài 33 tháng. Trái phiếu trú ẩn an toàn đã tăng giá là một trong những dấu hiệu cho thấy sự bất an của các nhà đầu tư. Nhưng thị trường sẽ khó khăn trong việc đánh giá tầm quan trọng của các thông cáo mới của nhóm G7 cho đến khi chính sách của ông Trump đối với Ukraine trở nên rõ ràng hơn.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump thường xuyên xung đột với các đồng minh G7. Trong lần tranh cử này, ông đã cam kết chấm dứt chiến tranh.

Các nhà đầu tư dự đoán châu Âu sẽ tăng chi phí chi tiêu quốc phòng, điều đó sẽ ảnh hưởng tới ngân sách dành cho những lĩnh mục đích khác.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 25-29/11/2024- Ảnh 3.

 Cổ phiếu quốc phòng của châu Âu tăng mạnh.

3/ MÙA MUA SẮM Ở MỸ

Tuần lễ Tạ ơn ở Mỹ kết thúc bằng Thứ Sáu Đen, theo truyền thống đánh dấu sự bắt đầu của mùa mua sắm trong kỳ nghỉ ở nước Mỹ.

Các nhà đầu tư đang theo dõi xem lạm phát sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thói quen mua sắm (chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ). Có một dấu hiệu đáng lo ngại là cổ phiếu Target đã giảm mạnh trong tuần qua sau khi nhà bán lẻ này dự báo doanh số và lợi nhuận trong quý nghỉ lễ thấp hơn ước tính trước đây.

Xu hướng lạm phát luôn được thị trường chú ý, và Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Tư (27/11).

Chỉ số PCE của Mỹ trong tháng 10 ước tính tăng 0,2%. Dữ liệu này sẽ được ngân hàng trung ương Mỹ sử dụng làm cơ sở quan trọng trước cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào ngày 17-18/12. Hiện các nhà đầu tư đang chia rẽ quan điểm việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất hay cắt giảm thêm 1/4 điểm. Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 25-29/11/2024- Ảnh 4.

 Lãi suất và lạm phát của Mỹ.

4/ CÁC SỐ LIỆU VỀ EUROZONE

Thứ Sáu (29/11) sẽ một ngày bận rộn đối với khu vực đồng euro, bắt đầu với dữ liệu lạm phát - được các nhà giao dịch theo dõi chặt chẽ.

Lạm phát ở Eurozone đã tăng trở lại mức 2% vào tháng 10/2024 sau khi giảm xuống dưới mục tiêu một tháng trước đó. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương trong khu vực đã tăng tốc trong quý 3. Những dữ liệu này sẽ được các nhà hoạch định chính sách xem xét thận trọng.

Các nhà giao dịch hiện dự đoán chỉ dưới 20% khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 12, so với 40% cách đây một tháng.

Tiếp theo, S&P sẽ xem xét mức xếp hạng tín dụng của Pháp - Fitch và Moody gần đây đã hạ xếp hạng tín dụng của Pháp xuống mức âm. Chính trường Pháp vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn khi chính phủ của Michel Barnier tìm cách thông qua một ngân sách thắt lưng buộc bụng và nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cảnh báo sẽ lật đổ liên minh cầm quyền mong manh.

Và Ireland sẽ tổ chức một cuộc bầu cử. Các kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của nước này dựa vào sự bùng nổ liên tục trong doanh thu thuế của các công ty đa quốc gia có thể bị đe dọa bởi nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 25-29/11/2024- Ảnh 5.

 Diễn biến lạm phát của Eurozone.

5/ BOJ TĂNG HAY KHÔNG TĂNG LÃI SUẤT?

Cũng vào thứ Sáu (29/11), các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhật Bản sẽ theo dõi số liệu lạm phát của Tokyo để đánh giá liệu có nên tăng lãi suất vào tháng 12 hay không.

Trong khi các quan chức khiến thị trường đoán già đoán non về thời điểm họ sẽ tăng lãi suất lần tiếp theo, thì việc đồng yên trượt giá có thể sớm khiến BOJ phải thay đổi kế hoạch chính sách tiền tệ theo hướng “cứng rắn”.

Hiện thị trường dự đoán có 54% khả năng BOJ sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 12, tăng đáng kể so với tỷ lệ rất thấp cách đây một tháng.

Đồng yên, giảm hơn 7% kể từ cuối tháng 9 xuống còn khoảng 155 yên đổi 1 USD, rơi vào vùng mà trước đây Nhật Bản đã phải kích hoạt chương trình can thiệp để hỗ trợ nội tệ.

Các quan chức Nhật Bản lại tiếp tục bànvề sự yếu kém của đồng yên, và chính trị làm phức tạp thêm vấn đề này.

Đảng Dân chủ Tự do đang tìm cách giành lại sự ủng hộ của công chúng sau thành tích kém cỏi trong cuộc bầu cử gần đây, và việc tăng lãi suất khó có thể khiến cử tri Nhật Bản hài lòng.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 25-29/11/2024- Ảnh 6.

 Lãi suất và lạm phát của Nhật Bản.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp