Dầu giảm do số ca nhiễm virus Covid-19 tăng mạnh gây lo ngại về triển vọng nhu cầu

Giá dầu thế giới giảm trong phiên vừa qua khi số ca nhiễm COVID-19 không ngừng gia tăng mạnh trên khắp thế giới, gây lo ngại nhu cầu dầu mỏ có thể sẽ vào thời kỳ suy yếu mới.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch 19/11, dầu Brent giảm 14 US cent xuống 44,20 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 8 US cent xuống 41,71 USD/thùng.

Số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã vượt 250.000, trong khi số ca nhiễm ở Nhật Bản và Nga mỗi ngày đều tăng mạnh, hôm sau cao hơn hôm trước. Với nỗ lực ngăn chặn đà lây lan này, Thành phố New York đã đóng cửa các trường công lập.

Trong khi đó, nguồn cung từ Libya dự báo sẽ còn tăng hơn nữa khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) và hãng Total của Pháp đã đàm phán xong kế hoạch nâng cao công suất và sản lượng lên mức cao nhất, theo đó Total sẽ mở rộng đầu tư ở Libya.

Thị trường đang kỳ vọng vào cuộc họp sắp tới của OPEC+ (từ 30/11 đến 1/12), theo đó nhiều khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và một số nhà sản xuất khác, sẽ quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng kể từ năm 2021 – yếu tố sẽ giúp hạn chế tình trạng dư cung trên thị trường.

Vàng giảm do USD mạnh lên và kinh tế hồi phục

Giá vàng giảm 1% do USD mạnh lên và kỳ vọng vắc-xin chống COVID-19 sẽ giúp kinh tế thế giới sẽ hồi phục.

Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.863,81 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,7% xuống 1.861,50 USD/ounce.

Đồng USD đã tăng 0,2% so với rổ các đồng tiền chủ chốt, giữa bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng trên toàn cầu.

Nhà phân tích cao cấp Jim Wyckoff của Kitco Metals cho biết, mọi người hy vọng sẽ có vắc-xin chống COVID-19 để tiêm đại trà trong vài tháng tới, và điều đó đang kéo giá vàng giảm xuống.

Quặng sắt tăng vì nguồn cung quặng từ Australia sang Trung Quốc thấp nhất 2 tháng

Giá quặng sắt tăng lên mức cao kỷ lục mới trong phiên vừa qua do thị trường lo ngại nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép này từ Australia sang Trung Quốc sẽ giảm trong khi nhu cầu thép ở Trung Quốc gia tăng.

Phiên vừa qua, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên có thời điểm tăng 3,6% lên 886 CNY (134,77 USD)/tấn, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Hợp đồng này lúc đóng cửa vẫn còn tăng 2,5% so với phiên trước. Treenn sàn Singapore, quặng sắt cũng tăng 0,9% lên 124,06 USD/tấn.

Xuất khẩu quặng sắt Australia sang Trung Quốc trong tuần qua đã giảm xuống chỉ còn 12 triệu tấn, thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng, theo số liệu của Refinitiv Eikon.

Đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đã tăng 12,7% trong tháng 10/2020 so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2018, trong khi doanh số bán bất động sản tính theo diện tích sàn tăng 15,3%, cao nhất trong hơn 3 năm; số nhà khởi công xây dựng tăng 3,5%.

Đường giảm

Giá đường giảm khỏi mức cao kỷ lục gần 9 tháng đạt được hồi đầu tuần này, mặc dù thị trường vẫn dự báo nguồn cung sẽ bị thắt chặt trong niên vụ 2020/21 này.

Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 0,17 US cent (1,1%) xuống 15,28 US cent/lb. Hoạt động bán chốt lời đang diễn ra sau đợt giá tăng cao gần đây. Đầu tuần có lúc giá đạt 15,66 US cent, cao nhất kể từ giữa tháng 2.

Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung sẽ vẫn hạn hẹp do sản lượng dự báo kém ở một số khu vực sản xuất lớn, bao gồm cả Liên minh Châu Âu.

Giá đường giao tháng 3/2020 cũng giảm 2,2 USD trong phiên vừa qua, xuống 414,70 USD/tấn.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng phiên thứ 4 liên tiếp khi bổ sung thêm 0,35 US cent (0,3%) đạt 1,2320 USD/lb, duy trì ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng. Nguyên nhân do lo ngại bão Iota ở Trung Mỹ - khu vực sản xuất arabica chủ chốt - gây tổn thất cho mùa màng. Dự báo sản lượng của Honduras – một trong những nhà sản xuất cà phê quan trọng – bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trái với arabica, giá robusta giảm trong phiên vừa qua, mất gần 1% còn 1.291 USD/tấn.

Dầu cọ cao nhất 8 năm

Giá dầu cọ phiên vừa qua lập kỷ lục cao nhất trong vòng 8 năm do giá dầu đậu tương tăng mạnh trong khi sản lượng dầu cọ dự báo giảm do mưa quá nhiều.

Trên sàn Bursa (Malaysia), dầu cọ kỳ hạn giao tháng 2/2020 giá tăng 1,66% lên 3.420 ringgit (835,27 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/5/2012.

Giá các sản phẩm cạnh tranh của dầu cọ (dầu đậu tương và đậu tương) tăng mạnh là yếu tố chính tạo nên xu hướng này, giữa bối cảnh Cục Khí tượng Malaysia dự báo sẽ có mưa lớn và gió báo mạnh trên khắp nước này, kéo dài đến cuối tháng 12.

Gạo Thái Lan cao nhất 2 tháng

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần này tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 2 tháng do lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm, mặc dù nhu cầu không cao. Ngày 19/11, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 475 – 485 USD/tấn, từ mức 470 – 480 USD/tấn cách đây một tuần.

Trong khi đó, đồng rupee mạnh giữ giá gạo Ấn Độ ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ hiện vững ở 366 – 370 USD/tấn như tuần trước. Giá Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này vững ở 495 – 500 USD/tấn, giữa bối cảnh xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc tăng, trong khi nguồn cung trong nước không còn nhiều vì vụ thu hoạch lúa Thu Đông sắp kết thúc (trong tháng này).

Cao su tăng do nhà đầu tư tranh thủ mua khi giá giảm ở phiên trước

Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua khi các nhà đầu tư tìm kiếm ‘món hời’ sau đợt giá giảm gần đây. Tuy nhiên, đà tăng bị cản trở bởi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và các hạn chế nghiêm ngặt hơn trên toàn cầu gây lo ngại ảnh hưởng đến nhu cầu.

Kết thúc phiên giao dịch, giá cao su kỳ hạn tháng 4 năm sau trên sàn Osaka tăn 1,3 JPY (0,6%) lên 224,0 JPY (2,2 USD)/kg. Phiên trước đó, giá đã giảm hơn 3%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 20/11

Minh Quân
Theo Trí thức trẻ