Dầu giảm do tồn trữ của Mỹ tăng
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch vừa qua do thông tin lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến, làm gia tăng lo ngại về tình trạng nhu cầu nhiên liệu yếu đi do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào vắc-xin và chính sách thắt chặt nguồn cung của OPEC, thể hiện ở việc diễn biến giá 2 loại dầu chủ chốt đi ngược chiều nhau.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 7 US cent (0,2%) xuống 43,75 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) có thời điểm tăng 9 US cent (0,2%) lên 41,43 USD/thùng, nhưng kết thúc phiên cũng giảm xuống 41,19 USD/thùng, sau khi Viện Dầu mỏ Mỹ (AIP) thông báo lượng tồn trữ dầu thô tuần vừa qua tăng 4,174 triệu thùng, vượt xa mức dự báo của giới chuyên gia là tăng 1,7 triệu thùng.
Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút bớt quân đội Mỹ đang đóng ở Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500, và cũng sẽ rút bớt quân ở Iraq đã ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu.
Vàng giảm nhẹ do thông tin về vắc-xin chống Covid-19
Giá vàng đi xuống trong do tác động từ những thông tin tích cực về vắc-xin chống Covid-10. Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế bởi đồng USD yếu đi và lo ngại về số ca nhiễm dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.884,91 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,1% xuống 1.885,10 USD/ounce.
Các nhà đầu tư cho rằng, xu hướng dài hạn của giá vàng vẫn được hỗ trợ khi Mỹ và Châu Âu vẫn đang chật vật chống lại sự gia tăng của đại dịch.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 10/2020 tăng ít hơn so với dự kiến, và có thể tiếp tục chậm lại trong những tháng tiếp theo, do số ca nhiễm tăng và những chính sách hạn chế mới để chống dịch.
Đồng USD giảm 0,3% trong phiên này.
Nhôm cao nhất gần 2 năm nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, đồng giảm
Giá nhôm tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 2 năm khi các nhà đầu cơ tích cực mua vào với hy vọng rằng nguồn cung ở Trung Quốc sẽ thắt chặt hơn nữa, mặc dù sản lượng cũng nước này cũng tăng cao.
Kết thúc phiên giao dịch, nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,5% lên 1.980 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Trái với nhôm, giá đồng giảm 0,6% trong phiên vừa qua, xuống 7.063 USD/tấn.
Thép không gỉ thấp nhất 5 tháng
Giá thép không gỉ kỳ hạn tương lai trên sàn Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng trong phiên vừa qua do dự báo sản lượng của Trung Quốc sẽ tiếp tục cao trong những tháng tới.
"Các nhà sản xuất thép không gỉ series 300 chủ chốt tiếp tục giảm giá cho các sản phẩm cán nguội của họ," Huatai Futures cho biết trong một thông báo của công ty, và thêm rằng sản lượng có thể sẽ duy trì ở mức cao do nhiều công suất sản xuất mới bổ sung trong tháng 11 này.
Trên sàn Thượng Hải, thép không gỉ hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 – giao dịch nhiều nhất – giảm 3,6% xuống 12.995 CNY (1.979,68 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/6 và đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp.
Tuy nhiên, các công ty môi giới cho biết, đà giảm giá thép không gỉ có thể được hạn chế bởi giá nickel – nguyên liệu cho loại thép này – tăng khiến cho chi phí sản xuất thép không gỉ tăng theo.
Về các sản phẩm sắt thép khác, giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 2,2% lên 3.919 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 2% lên 4.053 CNY/tấn, trong khi quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2,6% lên 855 CNY/tấn, còn quặng sắt 62% nhập khẩu phiên liền trước vững ở 124 USD/tấn.
Đậu tương lập đỉnh 4 năm do nhu cầu cao trong khi cung thắt chặt
Giá đậu tương kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago vừa lập mức cao kỷ lục 4 năm khi nhu cầu tăng vọt từ cả người tiêu dùng trong nước (Mỹ) cũng như các nhà xuất khẩu, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung vốn đã không còn nhiều có thể sẽ còn bị thắt chặt hơn nữa.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Chicago đã tăng 16-1/4 US cent lên 11,69-3/4 USD/bushel lúc đóng cửa phiên giao dịch, sau khi có thời điểm đạt 11,78-1/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 13/6/2016 đối với hợp đồng giao dịch nhiều nhất. Tất cả các hợp đồng đậu tương kỳ hạn khác cũng tăng giá trong phiên này.
Matt Ammermann, Giám đốc phụ trách hàng hóa rủi ro của StoneX cho biết: "Đậu nành đang dẫn đầu mức tăng giá trong nhóm ngũ cốc, do hy vọng xuất khẩu của Mỹ tăng, nhất là sang Trung Quốc, và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu nghiền ép đậu tương nội địa ở Mỹ cũng tăng mạnh".
Ông nói: "Điều này trái ngược với bối cảnh nguồn cung thắt chặt hơn sau dự báo về lượng dự trữ đậu tương nhỏ hơn của Mỹ từ USDA vào tuần trước.
Trong khi đó, thời tiết khô hạn kéo dài ở Nam Mỹ khiến cho việc trồng đậu tương vụ mới bị ảnh hưởng, có thể gây ảnh hưởng tới nguồn cung trong những tháng tới.
Cao su giảm sau 4 phiên đi lên
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản kết thúc 4 phiên tăng giá khi đảo chiều giảm khỏi mức cao nhất 2 tuần bởi các nhà đầu tư bán chốt lời, mặc dù nhu cầu cao su của Trung Quốc vẫn vững và nguồn cung ở các nước Đông Nam Á vẫn thắt chặt.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 8,1 JPY (3,4%) xuống 230,2 JPY (2,2 USD)/kg vào lúc đóng cửa, mặc dù trong phiên có thời điểm đạt mức cao nhất khoảng 2 tuần, là 241,5 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 (giao dịch nhiều nhất) cũng giảm 1 CNY xuống 14.365 CNY (2.191 USD)/tấn.
Đường thô cao nhất 8,5 tháng
Giá đường thô vừa tăng lên mức cao nhất 8 tháng rưỡi do có dấu hiệu nguồn cung bị thắt chặt trong vụ này, thậm chí có thể thiếu hụt.
Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,1 UD cent (0,7%) lên 15,58 US cen/lb, sau khi có thời điểm đạt 15,66 US cent, cao nhất kể từ giữa tháng 2.
Hiện Ấn Độ vẫn chưa công bố chính sách xuất khẩu đường năm nay. Thị trường xuất hiện thông tin Ấn Độ có thể gặp khó khăn về tài chính do dịch Covid-19.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3 trên cũng tăng 1,9 USD (0,5%) trong phiên vừa qua, lên 422,8 USD/tấn, cao nhất 8,5 tháng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 18/11
Minh Quân
Theo Trí thức trẻ