Dầu tăng 4% do thông tin về hiệu quả của loại vắc-xin Covid-19 mới
Giá dầu thô tăng trên 2% vào lúc kết thúc phiên giao dịch vừa qua sau khi hãng Moderna Inc MRNA.O thông báo kết quả thử nghiệm của loại vắc-xin chống Covid-19 do hãng chế tạo có hiệu quả tới 94,5%.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 1/2021 tăng 1,04 USD, tương đương 2,43%, lên 43,82 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng hơn 4%. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1,21 USD (3%) lên 41,34 USD/thùng.
Hãng dược Moderna của Mỹ ngày 16/11 tuyên bố vắc-xin ngừa Covid-19 của họ đang trải qua thử nghiệm của họ cho thấy hiệu quả lên tới 94,5%, dựa trên dữ liệu sơ bộ thu từ cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn của hãng này. Đây là thành tựu "thật sự nổi bật" theo đánh giá của bác sỹ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ.
Ngoài ra, thông tin tích cực về kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản cũng góp phần đẩy giá dầu tăng trong phiên này. Số liệu cho thấy lượng dầu nguyên liệu mà các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sử dụng hàng ngày tháng 10 vừa qua đạt mức cao k ỷ lục. Trong khi đó, Nhật Bản thông báo GDP quý III/2020 tăng trưởng 21,4% so với cùng quý năm ngoái, vượt mức dự báo là tăng 18,9%.
Vàng vững vì số ca nhiễm virus Covid-19 tiếp tục tăng cao
Giá vàng hồi phục trong phiên vừa qua, sau khi giảm hơn 1% ở phiên trước đó, vì nhà đầu tư lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng, che mờ niềm vui về vắc-xin Moderna.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay vững ở mức 1.887,1 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng nhẹ 0,1% lên 1.887,80 USD/ounce.
Lúc giữa phiên giao dịch, giá vàng giảm 1,3% sau khi Moderna thông báo vắc-xin của họ có hiệu quả tới 94,5%. Mặc dù giảm nhưng mức giảm đó thấp hơn nhiều so với mức giảm 5% khi Pfizer công bố hiệu quả hơn 90% của vắc-xin do họ nghiên cứu.
Bart Melek, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities, cho biết: "Vắc-xin là một tin rất tốt, nhưng vấn đề là sẽ mất khá nhiều thời gian để triển khai vắc-xin trên diện rộng, kể cả ở các nước phát triển". Theo ông: "Có vắc xin hay không có vắc xin thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế cho tới quý 3 năm sau, chúng ta sẽ cần kích thích tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa, và chúng ta rất có thể nhận được các kích thích tài chính – yếu tố để đưa lạm phát tiến gần tới mục tiêu của các ngân hàng trung ương".
Sắt, thép tăng
Giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên thị trường Trung Quốc đều tăng trong phiên vừa qua do dữ liệu tích cực về đầu tư tài sản cố định và thị trường bất động sản của nước này. Theo đó, đầu tư bất động sản tháng 10/2020 đã tăng 13% so với cùng tháng năm ngoái, tốc độ cao nhất kể từ tháng 7/2018; đầu tư tài sản cố định cũng tăng 1,8% trong cùng tháng, vượt xa mức dự báo.
Kết thúc phiên 16/11, giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.852 CNY (585,76 USD)/tấn (kỳ hạn tháng 1/2021); thép cuộn cán nóng tăng 1,4% lên 3.998 CNY/tấn. Riêng thép không gỉ phiên này giảm 1,8% xuống 13.305 CNY/tấn.
Quặng sắt tăng theo giá thép, theo đó giá trên sàn Đại Liên tăng 1,3% lên 841 CNY/tấn trong phiên 16/11; quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc (hàm lượng 62%) giảm 0,5% xuống 124 USD/tấn trong phiên 13/11.
Cao su tăng
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng hơn 1% trong phiên vừa qua sau số liệu GDP quý III của Nhật Bản đầy ấn tượng cũng thông tin sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng 10 tăng mạnh hơn dự đoán.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 2,7 JPY (1,2%) lên 238,3 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 1,4% lên 14.655 CNY/tấn.
Đậu tương và ngô tăng do nhu cầu xuất khẩu cao
Giá đậu tương k ỳ hạn tương lai trên thị trường Chicago tăng phiên thứ 2 liên tiếp, gần đạt mức cao nhất 4 năm của tuần trước, do nhu cầu mạnh từ khách hàng Trung Quốc và số liệu cho thấy hoạt động ép dầu của Mỹ tháng 10/2020 đạt mức cao kỷ lục lịch sử.
Giá ngô cũng tăng bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh, nhất là từ Trung Quốc. Thị trường năng lượng và chứng khoán tăng giá sau thông tin tích cực về vắc-xin cũng góp phần đẩy giá nông sản đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Chicago tăng 5-1/2 US cent lên 11,53-1/2 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 5-3/4 US cent lên 4,16-1/4 USD/bushel.
Lúa mì tăng
Giá lúa mì tăng trong phiên vừa qua. Theo đó, lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 4-1/2 US cent lên 5,98 USD/bushel; giá lúa mì tại Ukraina (chất lượng thấp, hàm lượng protein 11,5%) khoảng 252 – 256 USD/tấn (FOB).
Điều kiện thời tiết ở các khu vực trồng lúa mì chính của Nga đang không tốt, năng suất vụ này sẽ phụ thuộc nhiều vào thời tiết mùa Đông. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraina đang diễn ra rất thuận lợi. Nga và Ukraina là hai trong số những nước sản xuất và xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.
Đường thô cao nhất 8,5 tháng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York tăng 0,51 US cent (3,4%) lên 15,47 US cent/lb vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, trong phiên có thời điểm đạt 15,58 US cent, cao nhất kể từ 24/2, do nguồn cung ngắn hạn sẽ khan hiếm. Vụ đường Thái Lan năm nay kém có thể khiến thị trường đường thế giới trở nên khan hiếm, trong khi xuất khẩu đường từ Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi sự thiêu chắc chắn về chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ nước này do vấn đề tài chính liên quan đến dịch Covid-19. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3 phiên vừa qua cũng tăng 14 USD (3,4%) lên 420,8 USD/tấn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 6,55 US cent (5,8%) lên 1,1875 USD/lb, trong khi robusta kỳ hạn tháng 1 tăng 30 USD (2,1%) lên 1.440 USD/tấn.
Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết trong tháng 10/2020, nước này đã xuất khẩu 4,1 triệu bao cà phê (loại 60 kg/bao), tăng 11,5% tương đương với 422.000 bao so với cùng kỳ năm trước, là mức xuất khẩu cao kỷ lục theo tháng của quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 17/11
Minh Quân
Theo Trí thức trẻ