Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã chứng khoán MBB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021, dự kiến tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội.

Theo đó, sau khi đạt tăng trưởng tốt trong năm 2020 bất chấp dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngân hàng kỳ vọng năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng với lợi nhuận khoảng 13.200 tỷ đồng, tương đương tăng 20% so với năm trước; tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 11%; huy động vốn tăng tuỳ theo nhu cầu sử dụng vốn; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở dưới 1,5%.

Tuy nhiên MB cũng lưu ý, trong trường hợp dịch Covid 19 chưa được kiểm soát, các chỉ tiêu kế hoạch 2021 tăng trưởng quanh mức khoảng 10%.

Theo lãnh đạo MB, năm 2021 là năm bản lề để ngân hàng thực hiện thành công chiến lược giai đoạn 2017 - 2021. MB tiếp tục mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng thuận tiện nhất, duy trì Top 5, phấn đấu Top 3 các NHTM về chất lượng và hiệu quả kinh doanh, dẫn đầu về số hóa, với phương châm Tăng tốc số; Đột phá bán lẻ; An toàn - Hiệu quả".

Những giải pháp trọng tâm cho năm nay bao gồm: tạo lợi thế vượt trội trên nền tảng số; triển khai mô hình tập đoàn tài chính đa năng với hệ sinh thái khoảng 20 triệu khách hàng; chuyển đổi số toàn diện ngân hàng; hút thêm khách hàng mới với tốc độ tăng trưởng gấp 2 – 3 lần năm trước…

Kế hoạch kinh doanh của MB  

Đặc biệt MB có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thêm gần 40%. Theo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB.

Ngân hàng sẽ thực hiện 3 phương án tăng vốn. 

Lần 1 là tăng thêm gần 10.000 tỷ, từ xấp xỉ 28.000 tỷ đồng hiện tại lên trên 38,6 nghìn tỷ thông qua phát hành cổ phần phổ thông để trả cổ tức với tỷ lệ 35% trên tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.

Lần tăng vốn thứ 2 thêm khoảng 700 tỷ thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu); và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng.

Lần tăng vốn thứ 3 là thêm khoảng 192,4 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.

Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư tăng năng lực (bao gồm việc đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực Hồ Chí Minh và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng) khoảng 4.783 tỷ đồng; Bổ sung vốn đầu tƣ kinh doanh khác (bao gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới, …) là hơn 5.900 tỷ.

 

Theo Nhịp sống kinh tế