Tranh chấp diện tích sở hữu chung, riêng

Bộ Xây dựng vừa ban hành một số văn bản hướng dẫn giải quyết các tranh chấp, vướng mắc giữa chủ đầu tư và cư dân tại các dự án ở Hà Nội như khu đô thị Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm); dự án Artemis (quận Thanh Xuân); chung cư Cienco1 (quận Thanh Xuân)...

Hầu hết các tranh chấp, vướng mắc chủ yếu xuất phát từ việc chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ không thống nhất được các vấn đề liên quan đến diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng trong tòa nhà, việc bàn giao và sử dụng quỹ bảo trì chung cư...

Cụ thể, tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis tại số 3 Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), Công ty CP ACC Thăng Long - chủ đầu tư dự án và 300 hộ dân mua nhà đều cho rằng tầng hầm thuộc sở hữu của mình.

Dân chung cư 5 sao Artemis xuống đường căng băng rôn vì xảy ra bất đồng với chủ đầu tư.

Công ty CP ACC Thăng Long cho rằng diện tích là 5.946.9m², trong đó bao gồm cả phần diện tích đỗ xe 248.8m², thuộc quyền sở hữu riêng của công ty, công ty đã đóng tiền thuê đất 50 năm cho phần diện tích này.

Tuy nhiên, Công ty ACC Thăng Long lại chưa được công nhận quyền sở hữu với tầng hầm B1 của tòa nhà. Trong khi đó, 300 hộ dân sinh sống trong tòa nhà lại cho rằng tầng hầm B1 dự án thuộc sở hữu chung của 300 cư dân, cần được sử dụng vào mục đích để xe cho cư dân tòa nhà.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, đối chiếu với các quy định, trường hợp phần diện tích đỗ xe để trung chuyển hàng hóa phục vụ cho khu thương mại, văn phòng, siêu thị được bố trí trong cùng khu chức năng này và không phải là diện tích để xe phục vụ cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư hoặc diện tích để xe công cộng theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 của Luật Nhà ở 2014 thì phần diện tích này cùng với phần diện tích dùng để kinh doanh thương mại, văn phòng và siêu thị là thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư.

Việc công nhận quyền sở hữu đối với phần diện tích này, Bộ Xây dựng đề nghị, chủ đầu tư liên hệ với cơ quan đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất của thành phố Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.

Yêu cầu Hà Nội giải quyết đề nghị phong tỏa quỹ bảo trì chung cư Goldmark City

Trong khi đó, đại diện Ban quản trị các tòa R1, R2, R3, R4 thuộc Khu đô thị Goldmark City - 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm lại có văn bản đề nghị phong tỏa tài khoản quỹ bảo trì nhà chung cư khu đô thị Goldmark City do Chủ đầu tư là Công ty CP TM - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân thuộc Tập đoàn TNR vì không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị các tòa nhà theo quy định.

Đại diện Ban quản trị khu đô thị Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm) đề nghị phong tỏa tài khoản quỹ bảo trì nhà chung cư vì chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà theo quy định

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng cho rằng nội dung nêu trong đơn của đại diện ban quản trị các tòa nhà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Hà Nội. Do vậy, Bộ đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết đơn thư của cư dân.

Bộ Xây dựng cũng cho biết đã nhận được văn bản của Ban quản trị chung cư CIENCO1 tại địa chỉ đường Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân) về việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư.

Theo đó, Bộ đề nghị Ban quản trị đối chiếu các quy định hiện hành với trường hợp cụ thể của mình để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ban quản trị liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.

Ngoài ra, ban quản trị chung cư Rừng cọ Ecopark có văn bản đề nghị Bộ hướng dẫn về việc quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, đối với phần diện tích nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán (như tầng hầm, căn hộ, phần diện tích thương mại...) mà không phải là diện tích sử dụng chung của nhà chung cư thì Chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần diện tích nêu trên vào quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định.

Bộ Xây dựng cho biết, nếu trong thời gian bảo hành nhà chung cư mà cần sửa chữa, khắc phục các hư hỏng về kết cấu chính của nhà ở thì việc sửa chữa, khắc phục này được thực hiện theo quy định về bảo hành nhà ở. Sau thời gian bảo hành thì việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng phần sở hữu chung nhà chung cư được thực hiện theo quy định về bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Trong quá trình thực hiện quản lý sử dụng nhà chung cư, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị Ban quản trị liên hệ đến Sở Xây dựng Hưng Yên là cơ quan quản lý nhà ở trên địa bàn để được hướng dẫn, giải đáp theo thẩm quyền.

Nguyễn Mạnh
Theo dantri.com.vn