Thị trường chứng khoán Việt Nam trải quan một tuần giao dịch đầy biến động khi có thời điểm “nhúng” sâu dưới 1.000 điểm, song cũng hồi phục mạnh trong những phiên cuối tuần. Mặc dù có những nhịp hồi khá tích cực, song dòng tiền nhìn chung vẫn rất thận trọng khi tâm lý lo ngại chưa được gỡ bỏ.

Đáng chú ý, số liệu lạm phát Mỹ mới công bố vẫn tăng vượt kỳ vọng, song chứng khoán lại phản ứng khá nhẹ nhàng. Liệu rủi ro đã được phản ánh đầy đủ vào đà giảm trước đó của thị trường?

Lạm phát có dấu hiệu tạo đỉnh

Nhìn nhận về bối cảnh vĩ mô, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho rằng áp lực về tỷ giá và lãi suất trong nước vẫn là hai yếu tố cần chú ý trong thời điểm hiện tại.

Trong biên bản họp tháng 9, Fed thể hiện lo ngại về việc lạm phát tiếp tục leo thang và tiếp tục phải mạnh tay tăng lãi suất. Và thực tế con số CPI Mỹ công bố mới đây cho thấy lạm phát vẫn chưa thể hạ nhiệt. Do đó, cần xác định xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp diễn và nối dài ít nhất đến năm sau. Lãi suất toàn cầu tăng, Việt Nam không thể tránh khỏi xu hướng chung đó.

Lý giải về nguyên nhân lạm phát tăng vượt dự báo nhưng chứng khoán lại phản ứng khá nhẹ nhàng, ông Tuấn cho rằng bởi rủi ro lạm phát đã phản ánh đáng kể trong đợt sụt giảm vừa qua. Theo đó, CPI tháng 8 công bố khiến chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, đưa định giá nhiều cổ phiếu về mức rất thấp.

Trong đợt này, dù lạm phát cao hơn cao hơn dự kiến nhưng thị trường phản ứng nhẹ nhàng bởi lạm phát đã có dấu hiệu tạo đỉnh và định giá thị trường đã rất rẻ, khó giảm sâu thêm nữa. Cụ thể, chỉ số nhà ở - cấu phần quan trọng trong rổ CPI đã có xu hướng giảm, dù giá cho thuê nhà vẫn tăng nhưng mức tăng đã giảm khá nhiều so với thời gian trước. Bên cạnh đó, giá bất động sản và các hàng hoá khác cũng có xu hướng giảm.

Giá cả hàng hoá giảm đáng kể khiến giới đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ sớm tạo đỉnh và đi xuống. Nhiều tổ chức dự báo mức lạm phát trong năm sau chỉ ở mức 4%. Giới đầu tư cho rằng dù xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp diễn, song mức tăng sẽ không quá mạnh. Điều này là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán sẽ sớm cân bằng

Bàn về đà giảm của thị trường thời gian qua, ông Tuấn cho rằng có ba nguyên nhân chính, thứ nhất do tâm lý thị trường yếu trước những rủi ro vĩ mô, thứ hai áp lực margin trên diện rộng và cuối cùng là những thông tin xấu bị khuếch đại. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường kém tích cực, những tin đồn chưa xác thực như kích hoạt thêm lực bán từ nhà đầu tư.

TTCK kích hoạt thông tin xấu khiến nhiều nhà đầu tư đưa những quyết định sai lầm. Đơn cử như nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán dồn dập do những tin đồn trên thị trường. Nhưng ngay sau đó, những mã có sức khoẻ tốt lại đảo chiều tăng mạnh mẽ khiến nhiều người “cắt lỗ” tại đáy phải tiếc nuối. Do đó, đầu tư phải nhìn thấy trước câu chuyện tương lai, bởi nếu chỉ nhìn hiện tại thì sẽ rất hoang mang.

“Hiện tại, tôi cho rằng đà giảm đã phản ánh đầy đủ các thông tin tiêu cực, trong đó có vấn đề Fed tăng lãi suất hay các thông tin về xử lý sai phạm phát hành trái phiếu. Những nhịp giảm sâu đã đưa mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu về vùng hấp dẫn để đầu tư và nhiều nhà đầu tư khôn ngoan đã nhìn thấy điều đó”, ông Hoàng Công Tuấn nêu quan điểm.

Dự báo cho thị trường tuần sau, chuyên gia MBS cho rằng mốc 1.000 – 1.030 vẫn là ngưỡng cản mạnh khi chỉ số đến vùng này đều đảo chiều. Việc giữ vững mốc này cho thấy tâm lý thị trường đang trở nên vững vàng hơn và thị trường sẽ sớm tìm được điểm cân bằng.

Sau 5 tuần liên tiếp giảm, áp lực đòn bẩy đã giảm rất đáng kể và nhiều cổ phiếu không thể giảm sâu thêm. Với những nhà đầu tư theo trường phái trading, cần tuân thủ tuyệt đối kỷ luật cắt lỗ. Với đầu tư dài hạn, cần chọn điểm mua thích hợp những cổ phiếu có kết quả và triển vọng kinh doanh tốt.

Hạ Anh
Theo Nhịp sống thị trường