Quyết định bất ngờ
Tối 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh rút các lực lượng phòng thủ của Nga khỏi thành phố Kherson sang bờ bên kia sông Dnieper. Ông Shoigu cũng yêu cầu giới chức quân đội và chính quyền thân Nga tại Kherson đảm bảo an toàn và trật tự cho cuộc rút quân của quân đội Nga.
Lý giải cho quyết định này, Tướng Sergei Surovikin, Tư lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine, cho biết quân đội Nga không còn đủ khả năng cung cấp hậu cần cho các lực lượng phòng thủ bên trong Kherson.
"Chúng ta sẽ bảo toàn tính mạng cho các binh sĩ và khả năng chiến đấu của các đơn vị. Giữ họ lại bên trong thành phố là vô ích. Họ sẽ được tái tổ chức và bổ sung đến các phòng tuyến khác", Tướng Surovikin nhấn mạnh.
Nga kiểm soát vùng Kherson từ tháng 3 (Đồ họa: Aljazeera).
Đây được xem là một quyết định bất ngờ của Bộ Quốc phòng Nga vì các lý do sau đây.
Trong nhiều tuần gần đây, bất chấp việc quân đội Ukraine điều động hàng nghìn binh sĩ cùng xe tăng và xe bọc thép nhằm khép chặt vòng vây tại Kherson, Nga vẫn liên tục khẳng định tình hình tại mặt trận này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Một lực lượng lớn binh sĩ cùng trang thiết bị quân sự cũng đã được Moscow điều động đến gia tăng sức mạnh cho phòng tuyến Kherson. Chính quyền thân Nga cũng đã di tản người dân ra khỏi khu vực nội đô Kherson nhằm chuẩn bị cho một trận "quyết chiến" với quân đội Ukraine.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã khẳng định quân đội Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ Kherson vì "vị trí có tính chiến lược quan trọng" của khu vực này. Nếu mất Kherson, đây sẽ là thất bại lớn nhất của quân đội Nga kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tái tổ chức lực lượng, quyết tâm bảo vệ bán đảo Crimea
Vị trí chiến lược của tỉnh Kherson như một "tấm bình phong" cho bán đảo Crimea khiến cho quân đội Nga không thể bỏ rơi khu vực này, bất chấp quyết định rút quân khỏi thành phố Kherson.
Một chiến hào mới được Nga đào tại khu vực Kherson, phía bắc bán đảo Crimea (Ảnh: Planet Labs).
Trước khi quyết định rút lui, tại phòng tuyến Kherson - Beryslav, lực lượng Nga đang được tạo thành từ 22 đơn vị tác chiến bao gồm: Trung đoàn đổ bộ đường không số 108 và 171 thuộc Sư đoàn đổ bộ đường không số 7, Trung đoàn đổ bộ đường không số 224, 237 và 239 thuộc Sư đoàn đổ bộ đường không số 76, Trung đoàn dù số 217 và 331 của Sư đoàn 98, Lữ đoàn đổ bộ đường không số 11, Trung đoàn bộ binh cơ giới số 429 thuộc Sư đoàn 19, Trung đoàn bộ binh cơ giới số 255 thuộc Sư đoàn bộ binh cơ giới số 20, Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 205 thuộc Tập đoàn quân 49, đơn vị vệ binh số 4 thuộc Tập đoàn quân 58, Lữ đoàn phòng thủ bờ biển số 126 cùng Lữ đoàn tác chiến đặc biệt số 10.
Lực lượng thiện chiến này dự kiến sẽ được nhanh chóng tái tổ chức để tiến hành phòng thủ các khu vực do Nga kiểm soát tại tỉnh Kherson.
Trong thông báo rút quân tối 9/11, quân đội Nga khẳng định các lực lượng phòng thủ của Nga tại đây sẽ được tái bố trí tại các tuyến phòng thủ khác trong khu vực. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga đang tiến hành gia cố các chiến hào và công sự tại khu vực phía bắc bán đảo Crimea.
Các tuyến phòng thủ tại khu vực đông bắc Crimea cũng đang được khẩn trương nâng cấp. Các máy công trình hạng nặng đã được huy động để đào thêm các chiến hào mới.
Nhà chức trách Kiev cũng cáo buộc Nga đã đánh sập các cây cầu tại khu vực bờ tây sông Dnieper để làm chậm bước tiến của quân đội Ukraine.
"Quân đội Nga đã đánh sập các cây cầu Dariivskyi và Tiahynskyi. Không chỉ vậy, họ còn phá hủy cây cầu trên đường dẫn từ Snihurivka đến Kherson. Bên cạnh đó, những cây cầu tại Novokairy và Mylove cũng bị quân đội Nga làm hỏng", ông Serhii Khlan, thành viên Hội đồng Khu vực Kherson của Ukraine, cho biết hôm 9/11, đồng thời cáo buộc quân đội Nga đang lên kế hoạch "đánh sập toàn bộ các cây cầu" tại bờ tây sông Dnieper.
Phương án đáp trả của Nga
Giới quan sát nhận định Nga sẽ nhanh chóng đưa ra các phương án đáp trả sau khi buộc phải rút khỏi thành phố Kherson.
Theo đó, các cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn nhiều khả năng sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Trước đó, để đáp trả vụ tấn công Crimea và Hạm đội Biển Đen mà Moscow cáo buộc Kiev là chủ mưu, quân đội Nga đã thực hiện nhiều vụ tấn công dồn dập bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) cảm tử vào thủ đô Kiev và nhiều thành phố tại Ukraine.
Các vụ tập kích đường không trên đã gây ra thiệt hại nặng nề cho Ukraine và khiến hơn 30% hạ tầng năng lượng của nước này bị phá hủy.
Ngoài ra, các chuyên gia quân sự không loại trừ khả năng quân đội Nga sẽ đẩy mạnh tiến công tại mặt trận Donbass. Một số binh sĩ thuộc lực lượng phòng thủ ở Kherson cũng có thể được điều động đến chi viện cho mặt trận này.
Các lực lượng thân Nga tại Donbass hiện vẫn đang duy trì được những ưu thế nhất định trên chiến trường. Lực lượng dân quân Donbass, với sự hỗ trợ của quân chủ lực Nga, trong thời gian qua liên tục bẻ gẫy các đợt tấn công của Kiev và tổ chức các cuộc đột kích gây thiệt hại lớn cho quân đội Ukraine.
Trong một tuyên bố hôm 7/11, Đại tá Artyom Zhoga, tư lệnh tiểu đoàn đặc nhiệm Sparta thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết một chiến dịch đặc biệt đã được tổ chức với sự tham gia của các lính đặc nhiệm Sparta, xe tăng và pháo binh DPR vào các vị trí cố thủ cuối cùng của quân đội Ukraine tại khu vực sân bay Donetsk. Lực lượng hiệp đồng này đã đánh bật các binh sĩ Ukraine ra phía đường cao tốc M4 ở Donetsk. Những cứ điểm cuối cùng của Ukraine bên trong khu vực sân bay rộng hơn 10 km2 cũng đã bị san phẳng.
Tùng Nguyễn
Theo Aljazeera, Defense Express, Ukrainska Pravda