Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) ngày 29-10, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) đồng tình với việc không quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ.

Hàng nhập qua Shopee, Lazada, TikTok trên 800 tỉ đồng mỗi ngày, cần đánh thuế VAT- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa có giá trị nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn. Số liệu thống kê vào thời điểm tháng 3-2023, ông Hiếu cho biết mỗi ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng nhập về Việt Nam qua sàn thương mại điện tử. Giá trị mỗi đơn hàng bình quân khoảng 200 ngàn đồng, tổng giá trị nhập khẩu đối với các hàng hóa giá trị nhỏ này mỗi ngày lên tới trên 800 tỉ đồng.

Ông Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh con số này không ngừng tăng lên khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh. Nếu xét về từng đơn hàng thì giá trị nhỏ, nhưng theo ông Hiếu, xét về tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu thì không hề nhỏ.

Do đó, nếu tiếp tục miễn thuế đối với loại hàng hóa này sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn. Cùng với đó, ông lo ngại có tình trạng "xé nhỏ" giá trị đơn hàng để tránh thuế.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đặt vấn đề khi miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế.

Lợi thế trước hết là giá rẻ hơn so với hàng hóa trong nước khi họ không phải chịu thuế khi nhập khẩu. Đồng thời, do không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hàng hóa này cũng nhanh hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.

Ông Hoàng Minh Hiếu cũng nêu thời gian gần đây, có một số sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng với giá rất rẻ, rất cạnh tranh. "Nếu không có các giải pháp kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước"- đại biểu Hiếu lo ngại.

Về kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, Liên minh châu Âu từng áp dụng chính sách miễn thuế đối với hàng có giá trị dưới 150 euro, nhưng đã bãi bỏ từ 1-7-2021 với lý do chống thất thu thuế và đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã có những bước đi tương tự.

Hàng nhập qua Shopee, Lazada, TikTok trên 800 tỉ đồng mỗi ngày, cần đánh thuế VAT- Ảnh 2.

Sàn Temu bán hàng hóa với giá rất cạnh tranh

Từ những yếu tố nêu trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Theo ông Hiếu, Luật hiện hành và dự thảo Luật không quy định về vấn đề này nhưng việc miễn thuế đang được thực hiện theo Quyết định số 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

"Đây là điểm chưa phù hợp với chính sách do luật định, đề nghị cần quy định rõ trong Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội này về việc cần sớm chấm dứt hiệu lực của Quyết định này"- ông Hiếu nhấn mạnh.

Hoạt động của các sàn thương mại điện tử là vấn đề được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm tại kỳ họp này, trong bối cảnh xuất hiện một số sàn như Temu, Shein ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam. Trong đó sàn Temu mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian ngắn đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, miễn phí vận chuyển để thu hút người tiêu dùng.

Ở Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng đã rất quen thuộc với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop... Với giá cả cạnh tranh, thuận tiện trong việc mua và giao hàng nhanh, thương mại điện tử đang dần trở thành kênh mua sắm quen thuộc của người dân.

Song thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý chất lượng hàng hoá, quản lý thuế, bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm công bằng trong kinh doanh. Với "cơn lốc" hàng giá rẻ, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng đặt ra lo ngại cho các ngành sản xuất trong nước.

"Họ tạo ra những kho khổng lồ ngay sát biên giới, có thể thần tốc đưa hàng vào sâu trong nội địa để chiếm lĩnh thị trường. Khi nguồn cung hàng dồi dào, lại đảm bảo được cả phần hậu cần, chắc chắn họ sẽ đánh bại các sàn khác, vì họ nhanh hơn, nhiều hơn và rẻ hơn. Điều này tạo ra mối lo đối với các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử trong nước"- ông nhìn nhận và nêu thêm, Temu sử dụng biện pháp cạnh tranh cực kỳ quyết liệt, thậm chí có phần tiêu cực, khi dùng biện pháp giảm giá mạnh và tập trung vào mặt hàng giá rẻ, thông dụng.

Minh Chiến - Văn Duẩn