b.jpg

Các nước Đông Nam Á đã có thể thích ứng tốt hơn với các bất ổn do sự thay đổi của chính trường Mỹ.

Các quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường khả năng thích ứng với sự bất ổn gia tăng về an ninh và thương mại khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

"Rủi ro lớn nhất đối với khu vực sẽ là cách chính quyền tiếp theo tiếp cận các mối quan hệ đối tác quốc phòng và mạng lưới liên minh của mình", bà Hoàng Thị Hà, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS – Yusof Ishak của Singapore, nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho biết, sự hoài nghi của ông Trump đối với các liên minh sẽ càng gia tăng sự không chắc chắn cho tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Hà lạc quan rằng khu vực Đông Nam Á đã chuẩn bị tốt để xử lý những bất ổn do chính phủ Mỹ tiếp theo gây ra. “Việc đối mặt với những bất định mang tính chu kỳ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như sự hiện diện và cam kết của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, thực chất là một yếu tố mang tính cấu trúc trong quan hệ hai bên suốt nhiều thập kỷ qua", bà Hà nói.

Bà Hà phân tích thêm, bản chất của những cú sốc hoặc sự gián đoạn với các chính quyền Mỹ có thể khác nhau nhưng có thể đã trở thành một phần trong tâm lý và chiến lược của các quốc gia Đông Nam Á khi đối phó với Mỹ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, những lựa chọn của ông Trump cho nội các mới được cho là những người theo chủ nghĩa diều hâu với Trung Quốc cũng là một diễn biến quan trọng cần chú ý.

Nhận định này được đưa ra sau khi ông Trump đề cử nhiều người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt, làm dấy lên lo ngại rằng ông sẽ áp dụng một chiến thuật thậm chí còn hung hăng hơn đối với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

a.jpg
Cố vấn an ninh quốc gia được Trump chọn là ông Mike Waltz, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cụ thể, ông đã chọn Mike Waltz, một cựu chiến binh có phát ngôn cứng rắn với Trung Quốc làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi đó, ông Marco Rubio, người được ông Trump bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, được cho là đã nhiều lần công khai lên án Bắc Kinh.

Theo ông Edcel John A Ibarra, Phó giáo sư tại khoa khoa học chính trị của Đại học Philippines Diliman, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump khó có thể khác nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên, điều này làm giảm đi những yếu tố không thể đoán trước.

"Ông Trump là người có những hành động không thể đoán trước, nhưng cũng không hoàn toàn là như vậy", chuyên gia này đánh giá; đồng thời ông cho biết thêm rằng, Tổng thống đắc cử đã nói rõ về quan điểm của ông đối với chủ nghĩa bảo hộ, thắt chặt biên giới và cách tiếp cận mang tính giao dịch.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố nhiều lần về việc áp thuế ít nhất 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 20% đối với hàng hóa từ tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Ông Denis Hew, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo mới có khả năng thực hiện lời cam kết đánh thuế hàng hóa Trung Quốc vì biện pháp này nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ.

Chuyên gia Hoàng Thị Hà cho biết thuế quan của ông Trump có thể có lợi cho Đông Nam Á và đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa khỏi Trung Quốc trong nhiệm kỳ II của ông Trump.

Bà Hà lưu ý rằng Việt Nam đã đạt được lợi ích về xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

"Đây là một cơ hội đối với các nước Đông Nam Á như Việt Nam để thực sự gây áp lực lên các công ty đa quốc gia. Nhưng các chính phủ cũng phải đầu tư vào nguồn lực của chính đất nước như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và mọi thứ để đảm bảo rằng khu vực đang tăng giá trị gia tăng của chính mình vào chuỗi cung ứng", bà Hà khuyến nghị và cảnh báo nếu Đông Nam Á không làm được điều này, khu vực này sẽ chịu thiệt hại rất lớn.

Cẩm Anh