Sau Đức, nhiều nền kinh tế lớn của EU chật vật duy trì đà tăng trưởng, có quốc gia bất ngờ rơi vào suy thoái- Ảnh 1.

Dữ liệu mới công bố cho thấy, nền kinh tế Romania đã tăng trưởng 1,1% trong quý II. Con số này thấp hơn dự báo là 1,6% trong một cuộc khảo sát trước đó, dù chính phủ đã chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội.

Số liệu GDP trong quý không thay đổi cho thấy nền kinh tế quốc gia Biển Đen này khó tránh được một cuộc suy thoái. Trong khi đó, tại Ba Lan, nền kinh tế có thể đã mất đà so với quý II.

Kevin Daly, nhà kinh tế tại Goldman Sachs, cho biết: “Romania đã chứng kiến đà tăng trưởng mạnh hơn các quốc gia cùng khu vực trong những năm gần đây, khi sản lượng kinh tế ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch và mâu thuẫn Nga - Ukraine.”

Daly nói thêm: “Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng trong năm nay là 1,3%, dù dự báo sẽ đạt mức cao hơn trogn nửa cuối năm do nước này có lập trường chính sách tiền tệ ôn hoà hơn.”

Đà tăng trưởng kinh tế của Romania có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng trong mùa hè vừa qua và nhu cầu thấp hơn đối với hàng xuất khẩu vốn dựa vào sản xuất ô tô. Ở trong môi trường lạm phát thuộc top cao nhất EU, ngân hàng trung ương nước này đã giữ nguyên chi phí đi vay ở mức 6,5% trong các cuộc họp gần đây.

Các nhà hoạch định chính sách của Romania sẽ cần đánh giá tác động của cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội trong tháng này và tháng tới với tình hình giá cả cũng như nền kinh tế. Sau đó, Romania sẽ đưa ra quyết định về việc tăng thuế để cắt giảm thâm hụt ngân sách - có khả năng vượt mức 7% GDP trong năm nay.

Tình hình kinh tế các nước Đông Âu trở nên phức tạp hơn sau khi Hungary bất ngờ rơi vào suy thoái, do hoạt động tiêu dùng nội địa không thể cải thiện “lỗ hổng” do hoạt động sản xuất công nghiệp tạo ra. Tăng trưởng kinh tế Hungary giảm 0,7% trong quý III và quý trước đó là -0,2%, đánh dấu cuộc suy thoái mới kể từ đầu năm ngoái.

Nền kinh tế CH Séc tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong quý III, do tiêu dùng hộ gia đình hồi phục song hoạt động xuất khẩu vẫn yếu.

Theo các cuộc khảo sát, tăng trưởng kinh tế của Ba Lan dự kiến sẽ chậm lại còn 2,9% trong 3 tháng tính đến tháng 9, so với mức 3,2% trong quý II. Dữ liệu này được đưa ra sau khi doanh số bán lẻ tháng 9 đột ngột giảm, theo đó các nhà hoạch định chính sách nước này đang được thúc giục hạ lãi suất nhanh hơn.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này được cho là chủ quan trước tác động của việc doanh số bán lẻ sụt giảm, do đó vẫn trì hoãn việc nới lỏng chính sách. Chính phủ Ba Lan hiện đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách tài khoá năm tới ở mức 5,5% GDP, kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,9%.

Vu Lam