Rạng Đông đã thực hiện chuyển đổi số trong 5 năm (2020-2024) với 6 chiến lược đột phá, hướng tới trở thành doanh nghiệp công nghệ cao dẫn đầu thị trường quốc tế. Mục tiêu năm 2030 là đạt tăng trưởng 20 - 25%, thu nhập bình quân 2.000 USD/người/tháng, và doanh thu 25 nghìn tỷ đồng.
- Nhìn lại hành trình 60 năm liên tục trưởng thành và phát triển, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện chuyển đổi số, Rạng Đông chắc chắn đã nhận được rất nhiều bài học quý giá, thưa ông?
Để thực hiện bước chuyển thích ứng thời đại mới, Rạng Đông quan trọng nhất là chuyển từ chuyển đổi số sang chuyển đổi “kép”: Số và Xanh. Chuyển đổi số là sử dụng công nghệ số để hình thành phương thức sản xuất-kinh doanh mới với năng lực gia tăng hiệu suất và hiệu quả gần như không giới hạn. Chuyển đổi xanh là chung tay kiến tạo cuộc sống thân thiện môi trường, thông minh, hạnh phúc, phát triển bền vững. Tại Rạng Đông, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cùng song hành, bổ sung cho nhau.
Hành trình thay đổi là một chặng đường với nhiều thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên, là việc kết nối và tích hợp thông tin từ các thiết bị và máy móc có xuất xứ từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga, Đức, Hungary. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ hóa cao để tạo nên một hệ thống thống nhất, hiệu quả.
Thách thức tiếp theo là bài toán về chi phí. Các giải pháp chuyển đổi số toàn diện hiện có trên thế giới thường được chào bán với mức giá cao. Ví dụ, một quy trình giải pháp được Siemens chào giá khoảng 2 triệu USD, chưa kể đến chi phí bổ sung cho máy móc, thiết bị, để áp dụng giải pháp đó.
- Đứng trước những thách thức như vậy, theo ông đâu là yếu tố giúp doanh nghiệp vẫn có thể đứng vững và bứt tốc trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh?
Đứng trước khó khăn, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần nhìn nhận lại chiến lược ban đầu để tìm giải pháp chuyển đổi số phù hợp với nguồn lực của mình, đồng thời mang lại hiệu quả cao.
Từ kinh nghiệm thực tế, doanh nghiệp chúng tôi đã lựa chọn đầu tư nguồn lực cho yếu tố con người, ưu tiên tự nghiên cứu học hỏi và ứng dụng những ý tưởng tiên tiến trên thế giới, kết hợp với sức mạnh trí tuệ và sáng tạo của đội ngũ chuyên gia Việt Nam.
Kết quả cho cả quá trình nghiên cứu miệt mài của đội ngũ nhân lực chất lượng cao đã đem đến nhiều giải pháp đột phá. Điển hình như hệ thống thông minh giúp ánh xạ cơ cấu sản phẩm vật lý lên không gian số, được ứng dụng như một “hộp cát” để Rạng Đông thử nghiệm các giải pháp mới, hoặc trung tâm điều hành thông minh nhằm nâng cao năng suất hoạt động của hệ thống máy móc,...
Đặc biệt, doanh nghiệp cần kiên định con đường phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế. Rạng Đông đã thực hiện thành công 4 lần chuyển tầng công nghệ, từ một nhà máy sản xuất công nghiệp truyền thống tiền internet, chuyên sản xuất bóng đèn và phích nước, trở thành nhà máy sản xuất điện tử quy mô công nghiệp trên những dây chuyền hiện đại. Đó là ý chí bền bỉ mà bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hái “trái ngọt” đều phải trải qua.
- Để bứt phá trong công cuộc “chuyển đổi kép - Số và Xanh”, chắc hẳn không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà khoa học, thưa ông?
Đúng là như vậy. Chuyển đổi kép là khái niệm được đề cập nhiều trong thời gian gần đây để đề cập đến hai cuộc chuyển đổi lớn đang diễn ra đồng thời tại các nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng doanh nghiệp. Đó là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đây là một bước tiến của công nghệ, không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến một tương lai bền vững.
Sự lột xác từ một doanh nghiệp truyền thống trở thành doanh nghiệp top đầu về chuyển đổi số, không thể thiếu sự phối hợp, sự dẫn dắt của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu... Do đó, tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp cần nghiêm túc xây dựng lộ trình, tổ chức hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số qua từng vòng lặp: từ số hoá tách biệt đến đồng bộ hóa từng phần, tiến tới đồng bộ từng phần mở rộng, rồi đồng bộ hóa toàn phần,... từng bước định hình “bộ gen số” của một doanh nghiệp thời đại mới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Châu