Khi quỹ đất tại các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội không còn nhiều và ít có dư địa tăng giá, thì lúc này nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào đất nền các tỉnh.
Tại khu vực phía Bắc, những tỉnh gần Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam… đang trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp bất động sản khi liên tục có các dự án lớn đã và đang khởi công.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp với các dự án tên tuổi mọc lên đã đẩy giá đất ở các địa phương này tăng lên nhanh chóng. Song, điều đáng nói không chỉ đất thuộc các dự án có giá “leo thang” mà nhiều khu đất thổ cư nằm trong các tuyến đường liên xã, liên thôn cũng tăng chóng mặt.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Lý Nhân – Hà Nam) cho biết, nơi nhà chị sinh sống cách thị trấn 3 km, đất nhà chị có vị trí cạnh con đường liên xã. Thông thường, ở quê đất của các hộ đều rất rộng, có nhà để làm vườn, có nhà mở cửa hàng kinh doanh, có nhà cần tiền thì chia lô bán bớt. Khoảng 5 năm trước, giá đất chỉ ở ngưỡng 300 – 400 triệu/lô rộng 5m và chạy dài khoảng 30m, nhưng không hiểu vì sao từ năm 2019 đến nay giá đất lại tăng lên tới mức bất ngờ.
“Thời điểm giữa năm 2019, bên cạnh nhà tôi có một hộ bán một miếng có mặt tiền rộng 5m với giá 500 triệu đồng, đến cuối năm nhà đối diện cũng bán một miếng 5m tương tự nhưng giá bán đã lên 700 triệu. Sang năm 2020, thời điểm tháng 8 giá đất ở trục đường này đã được giao dịch tới 1 tỷ đồng/miếng. Hiện ở khu này không có ai bán nữa, nhưng cứ đà này tôi nghĩ vào thời điểm cận tết giá đất sẽ còn tăng tiếp” – chị Hằng nói.
Phạm Văn Quang – một người dân khác nói thêm: “Ở quê tôi người dân thường đi bán bia ở miền Nam, thời điểm cuối năm về ăn tết họ thường mang tiền về và tìm mua đất ở quê nên cuối năm là thời điểm giao dịch mua bán rất sôi động”.
Hơn nữa, theo anh Quang, khoảng 5 năm nay các nhà máy và các khu công nghiệp xuất hiện trên địa bàn huyện nên có lẽ cũng là lý do khiến giá đất ở địa phương tăng lên như vậy.
Câu chuyện đất tăng giá không chỉ “nóng” ở Hà Nam mà tại Thái Nguyên, từ đầu năm 2019 đất nền ở đây sôi động không kém.
Hàng loạt các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí,... được xây dựng đã đưa mặt bằng giá đất ở tỉnh này tăng lên “chóng mặt”.
Chủ đầu tư xuất hiện kéo theo đó là nhiều nhà đầu tư cá nhân từ Hà Nội và các địa phương khác cũng đổ về đây để tìm kiếm cơ hội làm giàu từ đất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, các giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư thứ cấp với nhau, ít có người mua với mục đích xây nhà về ở, do mức giá vượt tầm với đối với nhiều người lao động.
Được biết, khu vực mà nhà đầu tư nhắm đến chủ yếu là có vị trí lân cận các khu công nghiệp như Samsung, Phổ Yên. Việc này dẫn đến giá sản phẩm được đẩy lên cao, tăng giá cục bộ, tạo ra rủi ro cho thị trường. Đơn cử, một vài dự án có vị trí trung tâm, hay tuyến đường Bắc Sơn kéo dài dao động từ 20 – 25 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên trên các trang mạng, xuất hiện cả trăm trang rao vặt đăng tải thông tin bán, mua đất nền Thái Nguyên. Đa số các rao bán, mua này đến từ các môi giới tự do, nhà đầu tư cá nhân và giá cả cũng lệch nhau khá nhiều dù sản phẩm cùng dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết: “Do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc cũng như các tỉnh lân cận của thành phố”.
Đáng lưu ý theo đại diện Hội Môi giới bất động sản, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp.
Theo đó, giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng, nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu/m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu/m2.
Chính từ thực tế trên, đại diện Hội Môi giới bất động sản cho biết thị trường đã xuất hiện nghịch lý: giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng/m2.
Nói thêm về tình trạng trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS cũng cho rằng, giá đất của nhiều địa phương đang “ngáo giá”. Đây có thể là chiêu trò của giới đầu nậu, cò đất để thổi giá đất lên cao.
“Về lâu dài, đất vùng ven, đất nông thôn hoặc bất kỳ sản phẩm bất động sản nào đều có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu mức tăng trong năm lên tới 20%, 30% hoặc tăng gấp đôi, gấp 3 lần, thì cần phải xem xét lại và nên cẩn trọng”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng nêu nhận định, hiện tượng giá đất ở vùng ven tăng cao do quỹ đất tại trung tâm ngày càng hạn hẹp, nên các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổ xô vào thị trường vệ tinh của thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cấp cùng hàng loạt các dự án lớn đã đẩy giá nhà đất tại các khu vực vùng ven thành phố tăng cao.
“Trên thực tế cho thấy, đã có những thông tin sai lệch, chưa đầy đủ về thị trường BĐS vùng ven thành phố, làm giá nhà đất tăng ảo. Do đó, nhà đầu tư, người dân nên thận trọng khi đi mua nhà đất. Hiện tượng gây “sốt ảo” giá nhà đất khu vực vùng ven thành phố này chỉ làm lợi cho cò đất và chủ đất, còn người mua thì cần cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền” - Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM lưu ý.
Hồng Hương
Theo Dân Việt