Báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 tăng so với tháng 7/2020 chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa trên diện rộng làm giá rau tăng. Ngoài ra, giá gạo trong nước có nhích lên do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Giá dịch vụ giáo dục cũng được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.
|
Cụ thể, trong mức tăng 0,07% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 0,18% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 và giá các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập tăng do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới.
Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11, bao gồm chỉ số giá lương thực tăng 0,6%, thực phẩm tăng 0,08% và nhóm giao thông tăng 0,1% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu…
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm nhóm văn hóa, giải trí và du lịch xuống 0,2% do nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% và nhóm may mặc, mũ nón và giày dép xuống 0,03%. Riêng, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi.
Với những biến động về giá trên, lạm phát cơ bản tháng 8/2020 đã giảm 0,01% so với tháng 7/2020 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước đồng thời tạm phát cơ bản bình quân 8 tháng tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về thị trường vàng, giá vàng thế giới tiếp tục tăng do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các nền kinh tế, bên cạnh đó chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng ngày càng gay gắt khiến vàng trở thành kênh đầu tư an toàn. Cụ thể, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/8 đã tăng 6,14% so với tháng trước đó. Trong nước, chỉ số giá vàng trong tháng 8/2020 tăng 9,86% so với tháng trước và tăng 32,81% so với tháng 12/2019 đồng thời tăng 35,02% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo, giá trị đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục suy yếu trong bối cảnh lạm phát tháng Bảy của Mỹ tăng và Quốc hội Mỹ chưa đạt được thỏa thuận liên quan đến gói cứu trợ mới để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và duy trì đà phục hồi kinh tế. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, chỉ số giá USD trong tháng giảm nhẹ 0,07% so với tháng 7/2020 và tăng 0,16% so với tháng 12/2019, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước./.
Theo kinh tế đô thị