Giới chuyên gia phương Tây nhận định, Nga trong thời gian qua dường như đã muốn sử dụng mùa đông như một lá bài chiến lược, thông qua việc tập kích ồ ạt cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Nga được cho mong muốn Ukraine sẽ đối mặt với một mùa đông lạnh giá để suy giảm tinh thần chiến đấu.
Tuy nhiên, theo phía Anh, nhiệt độ lạnh hơn và ngày ngắn hơn trong mùa đông sẽ ảnh hưởng tới cả 2 phía trong nhiều khía cạnh.
"Mùa đông sẽ làm thay đổi điều kiện tác chiến của lực lượng Nga và Ukraine. Những thay đổi về thời gian ngày - đêm, nhiệt độ và thời tiết sẽ mang đến những thách thức cho các binh sĩ từ cả 2 bên", Bộ Quốc phòng Anh dự đoán.
Khi mùa đông đến, thời gian ban ngày sẽ chỉ kéo dài khoảng 9h đồng hồ so với 15-16h như mùa hè tại châu Âu. Anh nhận định, ngày ngắn hơn có thể sẽ làm thay đổi chiến lược của 2 bên, và có thể khiến họ tập trung vào phòng thủ hơn là tấn công.
Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mark Cancian dự đoán, giao tranh sẽ không dừng lại vì thời tiết lạnh.
"Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2 với hàng loạt cuộc tấn công bất chấp mùa đông lạnh giá. Thời tiết lạnh đồng nghĩa với việc giao tranh có xu hướng tập trung xung quanh các ngôi làng để binh lính có thể giữ ấm. Giao tranh cũng có thể xảy ra nhiều vào ban ngày, mặc dù giờ đây 2 bên đều được trang bị kính nhìn ban đêm giúp cho các hoạt động giao tranh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tác chiến ban đêm đòi hỏi trình độ kỹ năng cao", ông Cancian cho biết.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định, thiết bị nhìn đêm sẽ trở thành một trang bị quý giá mang lại lợi ích cho các bên.
Ngoài vấn đề về điều kiện tác chiến, thời tiết lạnh giá có thể dưới 0 độ vào mùa đông có thể khiến cho các nỗ lực cứu chữa thương binh trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, các binh sĩ cũng bị gia tăng nguy cơ bị hạ thân nhiệt và bị bệnh vì lạnh giá.
"Trong thời tiết lạnh, thời điểm vàng để cứu chữa binh sĩ thương nặng giảm xuống còn khoảng một nửa", phía Anh cảnh báo.
Thời tiết lạnh giá cũng có thể trở thành "kẻ thù" của khí tài quân sự. Các hệ thống vũ khí có thể dễ dàng bị trục trặc hơn trong điều kiện lạnh giá khắc nghiệt.
Việc các binh sĩ mang vũ khí từ nơi lạnh giá tới khu vực sưởi ấm có thể làm hình thành hơi nước. Khi họ quay trở lại tác chiến trong môi trường lạnh, hơi nước có thể đóng băng bên trong, dẫn tới làm hỏng hóc vũ khí.
Dù Bộ Quốc phòng Anh nhận định cả Nga và Ukraine đều phải đối mặt với thách thức tương đương nhau vào mùa đông nhưng chuyên gia Cancian cho rằng, Kiev dường như vẫn có lợi thế hơn so với Moscow trên thực địa.
"Hệ thống hậu cần của Ukraine vẫn tốt hơn và Mỹ cũng như NATO đang cấp cho Kiev trang bị cho mùa đông. Nga có rất nhiều kinh nghiệm tác chiến trong thời tiết lạnh, nhưng thách thức về tiếp tế hậu cần như hiện tại có thể khiến họ khó chuyển các kỹ năng và học thuyết quân sự trở thành lợi thế trên chiến trường", ông Cancian lập luận.
Đức Hoàng
Theo Newsweek