Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2025 diễn ra trong bối cảnh bất định sâu sắc của thương mại toàn cầu (Ảnh: The Edge Malaysia)
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa khai mạc tại Malaysia là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này, khi khu vực này đồng thời tăng cường quan hệ với Trung Quốc, các nước vùng Vịnh và các đối tác mới nổi.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng của các chính sách bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu. ASEAN, với vai trò là trung tâm của các chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc phải tính toán lại chiến lược hợp tác quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro và duy trì đà tăng trưởng.
Trung Đông – đối tác mới nổi của ASEAN
Khác với truyền thống trước đây, hội nghị lần này chứng kiến sự hiện diện nổi bật của các nhà lãnh đạo ngoài khu vực. Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Cường tham dự, thể hiện mức độ ưu tiên cao dành cho khu vực ASEAN trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh. Đồng thời, lãnh đạo của 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng có mặt – một dấu hiệu cho thấy ASEAN đang mở rộng vòng tay với các đối tác phi truyền thống, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và đầu tư tài chính.
GCC, gồm UAE, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain, đang nổi lên là các nền kinh tế tăng trưởng nhanh, với dự báo tăng trưởng năm 2025 lần lượt là 5,5% và 4,8% cho UAE và Saudi Arabia.
Ông Fahmi Fadzil, Bộ trưởng Truyền thông Malaysia, nhận định: “Đây là cơ hội để Malaysia nói riêng và ASEAN nói chung, thể hiện vai trò trung lập và sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào, miễn là đôi bên cùng có lợi.”
Kim ngạch thương mại ASEAN – GCC đạt 130,7 tỷ USD năm 2023, đưa Vùng Vịnh trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của ASEAN. UAE dẫn đầu với gần 45% giá trị thương mại song phương, theo sau là Saudi Arabia (30%) và Qatar (11%).
Dầu khí chiếm hơn 63% thương mại giữa hai bên, song hợp tác đang mở rộng nhanh sang lĩnh vực thực phẩm Halal và tài chính. GCC phụ thuộc lớn vào nhập khẩu lương thực từ ASEAN, đặc biệt từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Với vị trí là nguồn FDI lớn thứ 16 vào ASEAN trong năm 2023, các nước vùng Vịnh đang đẩy mạnh hiện diện trong khu vực – khi cả hai bên tìm cách củng cố chuỗi cung ứng và đa dạng hóa nguồn lực kinh tế.
Mở rộng với các đối tác mới nổi quan trọng như GCC là bước đi chiến lược của ASEAN (Ảnh: VGP)
Quan hệ Trung Quốc – ASEAN vẫn là trụ cột
Cũng trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại ASEAN với Trung Quốc đạt gần 1.000 tỷ USD, Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.
Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt 982,3 tỷ USD vào năm 2024, gần gấp đôi so với thương mại với Mỹ (476,8 tỷ USD). Trung Quốc đã tích cực mở rộng ảnh hưởng với khối 10 nước thông qua các sáng kiến như nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc, đưa vào các điều khoản mới về kinh tế số, kinh tế xanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Về phía mình, ASEAN cũng đang tăng cường các chuyến thăm cấp cao trong nội khối, thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Dù hơn 90% hàng hóa trong khu vực đã được miễn thuế, ASEAN vẫn đang đàm phán nâng cấp các hiệp định hiện có để bảo vệ lợi ích dài hạn.
Phó Thủ tướng Singapore Gan Kim Yong nhận định: “Những nỗ lực hiện tại rất đáng khích lệ, nhưng không có nghĩa là nguy cơ đã qua. ASEAN cần củng cố hơn nữa khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.”
Không chỉ là vấn đề kinh tế, hội nghị ASEAN năm nay còn cho thấy những lo ngại về bất ổn địa chính trị. Nội chiến tại Myanmar, xung đột ở Gaza,... đang trở thành các chủ đề nóng bên lề hội nghị.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh rằng ông sẽ đề cập đến vấn đề nhân đạo tại Gaza, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn.
Nam Trần